Tổng số bài đăng 289.
Thị trường EU liên tục đặt ra những quy định mới với những yêu cầu cao hơn đòi hỏi hàng Việt Nam cần thích ứng 'tiêu chuẩn xanh' của thị trường này.
Yêu cầu ngày càng cao
Từ ngày 3/5/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và muối sẽ áp dụng ngưỡng dư lượng tối đa thủy ngân mới của Ủy ban châu Âu (EC). Theo đó, dư lượng thủy ngân có trong thủy sản dao động từ 0,3 đến 1μg/kg, tùy loại sản phẩm. Dư lượng thủy ngân trong muối tối đa là 0,1μg/kg. Đối với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường, sản phẩm sẽ được tiêu thụ đến hết hạn sử dụng của sản phẩm.
Xuất khẩu thuỷ sản tháng 3/2022 ước đạt 920 triệu USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường chính duy trì tăng trưởng cao, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 42%, sang Trung Quốc tăng 77%, sang EU tăng 37%, Hàn Quốc tăng 23%.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu tỷ USD của thủy sản Việt Nam. Dư địa tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang EU được đánh giá rất lớn, nhất là với cú hích Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 8/2020. Doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ quy định mới mà EU vừa ban hành về dư lượng thủy ngân để gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường này.
Trong lĩnh vực dệt may, quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn đó, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường...
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - chia sẻ, đối với các sản phẩm dệt may xuất khẩu sang thị trường EU, nhà nhập khẩu có thể đòi hỏi các yêu cầu mà nhà xuất khẩu buộc phải có như: Yêu cầu liên quan đến an toàn sản phẩm, sử dụng hóa chất (như REACH); yêu cầu này hạn chế việc sử dụng hóa chất trong quần áo và đồ trang trí, bao gồm một số thuốc nhuộm azo, chất chống cháy, hóa chất chống thấm và chống ố và niken; đảm bảo sản phẩm tuân thủ Chỉ thị an toàn sản phẩm chung của Liên minh châu Âu (GPSD: 2001/95/EC); sản phẩm không thuộc Danh sách các chất bị hạn chế (RSL);…
Trong vòng ba năm tới, xu hướng nhiều người mua sẽ yêu cầu người bán phải đáp ứng nhiều hơn các vấn đề liên quan tới truy xuất nguồn gốc nguyên liệu; sử dụng nhiều vật liệu tái chế hoặc tái sinh hơn; giảm lượng khí thải carbon và việc sử dụng hóa chất của sản phẩm; đo lường tác động môi trường của quá trình sản xuất, và đảm bảo mức lương đủ sống và môi trường làm việc an toàn cho nhân viên của nhà máy.
“Hiện nay, các đơn vị thành viên của Vinatex đáp ứng khá tốt yêu cầu của các thị trường nhập khẩu đối với các quy định về hoá chất và an toàn sản phẩm. Các quy định này luôn được khách hàng kiểm soát rất chặt chẽ và doanh nghiệp không có cách nào ngoài việc bắt buộc phải tuân thủ”, ông Cao Hữu Hiếu cho hay.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường EU, đa số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những 'tiêu chuẩn xanh' trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải…
Doanh nghiệp tìm cách thích ứng
Trong báo cáo thường niên về những chất nguy hiểm gây hại cho sức khỏe con người được Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp, Didier Reynders công bố hôm 25/4 ở Brussels, EC đã công bố kế hoạch thiết lập danh sách các hợp chất độc hại có trong tã lót, PFAS (những chất hóa học không có trong tự nhiên) có trong hộp bánh pizza hoặc chất PVC trong giày dép để cấm hoàn toàn việc sử dụng chúng. Đây là những hóa chất cực kỳ phổ biến nhưng có hại cho sức khỏe.
Báo cáo nêu chi tiết các hạn chế trong tương lai, trong khuôn khổ quá trình xem xét rộng rãi luật hóa chất của EU, hiện đang được đàm phán giữa EC và các quốc gia thành viên, nhắm mục tiêu vào các chất có hại nhất cho sức khỏe con người và môi trường.
Theo ông Didier Reynders, công việc "rất tiến triển" đối với 6 dòng hóa chất được Cơ quan hóa chất châu Âu (ECHA), Mỹ và EC kiểm tra nhằm hướng tới một dự án cấm dần các chất này, ngay cả trước khi thông qua một phương pháp mới về quản lý hóa chất ở EU, dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2025.
EC nhấn mạnh kế hoạch này nhắm mục tiêu đến toàn bộ các dòng linh kiện được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, chuyên dụng và tiêu dùng. Hiện hàng nghìn hợp chất hóa học được coi là nguy hiểm cũng như có hại nhất khiến Cục môi trường châu Âu (EEB) đẩy nhanh việc thiết lập danh sách các chất bị cấm, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Với các sản phẩm thực phẩm, nông sản, dù chưa có nhiều thay đổi quy định, tuy nhiên một số dự báo cho rằng thị trường này sẽ sớm yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn mới về sức khỏe và môi trường theo hướng thắt chặt hơn.
Xu hướng tiêu dùng xanh được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp sản xuất phải nhanh chóng thay đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, giúp nắm bắt cơ hội không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay ở thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, người ta càng quan tâm đến xu hướng tiêu dùng xanh, quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ vì mục đích cuối cùng cũng là sức khỏe, sống để có bầu không khí hít thở, thực phẩm sạch để ăn, nâng cao miễn dịch để kháng bệnh. Sự bùng nổ này sẽ diễn ra ở Mỹ, châu Âu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần định hướng đường đi, đón đầu cơ hội.
Để đón đầu cơ hội, một số doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh chuyển hướng sang phát triển xanh. Không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ, mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Cao Hữu Hiếu nhận định, khó khăn sắp tới sẽ nằm ở việc đáp ứng những quy định liên quan đến môi trường, trách nhiệm xã hội mà khách hàng và người tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu ngày càng quan tâm. Để có thể từng bước chuẩn bị cho việc tuân thủ đầy đủ các quy định này, trong thời gian tới, Vinatex sẽ đầu tư chủ động theo định hướng chiến lược của tập đoàn để tạo liên kết chuỗi; nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết bị sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, điều kiện làm việc, hướng tới quản trị thông minh, sản xuất xanh và bền vững…. Bên cạnh đó, Vinatex cũng đã và sẽ tiếp tục phát triển các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của các thị trường xuất khẩu mà Vinatex đang hướng đến.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới đã và đang tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Thực tế cho thấy, việc đáp ứng "tiêu chuẩn xanh'' trong thời gian qua diễn ra không chỉ ở ngành dệt may hay nông sản mà còn ở nhiều ngành hàng khác. Một khi đã là xu thế thì bất kỳ ngành hàng, doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng nếu không muốn nằm ngoài 'cuộc đua'. Xanh hóa sản xuất không phải gánh nặng mà là cơ hội cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần xác định tâm thế này để thay đổi.
Nguồn: Báo Công Thương