Tổng số bài đăng 312.
Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang ở cuối giai đoạn thực hiện Kế hoạch tổng thể 2025 và xây dựng Kế hoạch chiến lược đến 2045, việc đánh giá, xác định các yếu tố định hình thương mại thế giới trong giai đoạn 20 năm tới là cần thiết để các nhà hoạch định chính sách có thể xây dựng các chiến lược phù hợp, đón đầu xu thế, hạn chế rủi ro và tối ưu hóa lợi ích trong tương lai.
5 xu hướng được dự đoán có khả năng ảnh hướng lớn đến tương lai kinh tế của ASEAN bao gồm:
1. Thế giới đa cực: Tình hình thế giới trong những năm gần đây tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại nhưng đang phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng. Sự phân tách, phân cực ngày càng rõ nét dưới tác động mạnh mẽ của xung đột, cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế trên phạm vi toàn cầu. ASEAN cần sẵn sàng đối mặt với các thách thức gia tăng bảo hộ và tranh chấp, ảnh hưởng tới dòng chảy tài chính, thương mại và tài nguyên.
2. Thay đổi dòng chảy thương mại: Căng thẳng địa chính trị đang làm thay đổi dòng chảy thương mại khi các nền kinh tế lớn có xu hướng chuyển một số cấu phần của chuỗi cung ứng sang các các nước đồng minh và đối tác, giảm thiểu rủi ro bất ổn nguồn cung nguyên liệu, dẫn tới việc thay đổi vị thế chiến lược của nhiều quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. ASEAN cần nắm bắt cơ hội này thông qua việc gia tăng thặng dư giá trị thương mại, giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, sẵn sàng đón đầu cạnh tranh gia tăng từ các nước như Ấn Độ.
3. Tiến bộ công nghệ: Đầu tư vào nghiên cứu công nghệ, khoa học tiến bộ, đổi mới sáng tạo, tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và các tập đoàn toàn cầu. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu lớn (big data) chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra các bước đột phá lớn trong tương lai, có khả năng thay đổi xu thế hành vi, thói quen của con người, tác động tới phương thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp và xã hội, tạo ra các ngành công nghiệp hoặc sản phẩm mới có tiềm năng giá trị đáng kể, v.v… các giải pháp tổ chức hoạt động hiệu quả. Để nắm bắt xu thế này, ASEAN cần phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực toàn diện, tài chính,v.v. và đảm bảo có một cách tiếp cận toàn diện và có trách nhiệm đối với sự tiến bộ công nghệ để đối mặt với thách thức thay thế việc làm do ứng dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
4. Biến đổi khí hậu: Sự biến đổi khí hậu nhanh chóng thông qua thay đổi các hình thái khí hậu, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ tăng cao và thay đổi các vùng sinh thái đem lại thách thức lớn đối với tất cả các nền kinh tế. Tuy nhiên, phát triển kinh tế xanh và các giải pháp thiên nhiên là một xu hướng lớn toàn cầu, mở ra những ngành công nghiệp, công nghệ mới để giải quyết các nỗ lực thích ứng và phục hồi khí hậu. ASEAN được đánh giá đang ở vị thế tốt để đón đầu những cơ hội tiềm năng này.
5. Thay đổi nhân khẩu học: ASEAN dự kiến sẽ chuyển dần sang nền kinh tế thu nhập trung bình khá vào năm 2045, và nhu cầu chi tiêu tiêu dùng tăng cao giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Bên cạnh đó, do ASEAN hiện đang trong thời điểm dân số vàng với tỉ lệ người ở độ tuổi lao động cao cũng như tuổi thọ trung bình tăng cao, trong 20 năm tới ASEAN sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đây là 2 thách thức lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai gần. Mức lương tăng có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của ASEAN vốn được coi là một điểm đến sản xuất chi phí thấp, do đó đặt ra yêu cầu cải thiện năng suất của lực lượng lao động để phù hợp với tình hình mới.
Đây là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra cả cơ hội và thách thức, tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cầu, toàn dân, mọi lĩnh vực trên thế giới, từ đó đặt ra bài toán thích ứng cho ASEAN. Để đón đầu 05 xu hướng lớn mới nổi này, ASEAN cần tích hợp tại Kế hoạch chiến lược đến 2045 các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hội nhập khu vực để tăng cường khả năng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sức chống chịu và khả năng phục hồi; cần có chiến lược cụ thể với từng nhóm vấn đề để giải quyết triệt để, hạn chế rủi ro và tranh thủ cơ hội do các xu thế đem lại.