Tổng số bài đăng 316.
Theo Bộ Tài chính, cần quản lý các mặt hàng thuốc lá điện tử, các loại thuốc lá sử dụng nguyên liệu thay thế nicotine như các mặt hàng thuốc lá khác để đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện chính sách quản lý đối với mặt hàng thuốc lá.
Biện pháp quản lý với mặt hàng thuốc lá điện tử
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, mặt hàng thuốc lá và nguyên liệu thay thế lá thuốc lá đã chế biến được quy định tại Chương 24 Danh mục thuế quan hài hòa Asean (AHTN) 2022 với 3 nhóm ở cấp độ 4 số (từ 24.01 đến 24.03). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài các loại thuốc lá điếu truyền thống đã xuất hiện thêm nhiều loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử dạng gel, các loại thuốc lá sử dụng nguyên liệu thay thế nicotine…Tuy là mặt hàng mới phát sinh trong vài năm gần đây nhưng đang là xu thế phát triển mạnh, kim ngạch thương mại toàn cầu ngày càng tăng. Người dân đang dần chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá điện tử.
Chính vì vậỵ, qua rà soát Danh mục AHTN 2022, cơ quan chức năng đã bổ sung thêm một nhóm mới là nhóm 24.04 với mô tả: sản phẩm chứa lá thuốc lá, thuốc lá hoàn nguyên, nicotine, hoặc các nguyên liệu thay thế là thuốc lá…. Để hình thành nên nhóm này, Danh mục AHTN 2022 tách các mặt hàng là nguyên liệu thay thế lá thuốc lá, chiết xuất và tinh chất là thuốc lá (mã HS 2403.99.30; 2403.99.90); các chất khác của sản phẩm, chế phẩm hóa học của ngành công nghiệp hóa chất hoặc các ngành công nghiệp có liên quan chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác (mã HS 3824.99.99) và hỗn hợp khác của hóa chất với thực phẩm để chế biến thực phẩm (mã HS 2106.90.99).
Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các mã trên rất khác nhau. Cụ thể, mặt hàng nguyên liệu thay thế lá thuốc lá, chiết xuất và tinh chất là thuốc lá (HS 2403.99.30 và 2403.99.90) có mức thuế suất MFN ở mức cao 30% và 50%, cam kết WTO là 100%, trong khi các chất chế phẩm hóa học của ngành công nghiệp hóa chất (HS 3824.99.99) và hỗn hợp hóa chất với thực phẩm (HS 2106.90.99) có mức thuế suất MFN ở mức thấp là 0% và 15%, bằng mức cam kết WTO.
Trên cơ sở số lượng kim ngạch thương mại của thế giới tăng cao đối với mặt hàng này, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nhận định, cần phải có các biện pháp quản lý phù hợp, trong đó có biện pháp về thuế nhập khẩu. Đồng thời, cần quản lý các mặt hàng thuộc nhóm 20.04 tương tự như các mặt hàng thuốc lá khác vì các sản phẩm này có thể thay thế cho các sản phẩm thuốc lá truyền thống.
Về chính sách quản lý đối với mặt hàng thuốc lá và nguyên tắc quy định thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng thuốc lá là mặt hàng nhạy cảm cao. Từ khi gia nhập WTO đến nay và quá trình đàm phán các FTA, Việt Nam đều có quan điểm giữ cao ở mức cam kết thuế tối đa và không cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu hoặc thời gian cắt giảm dài nhất có thể. Đây là mặt hàng gây ảnh hưởng sức khỏe và Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và thuộc mặt hàng phải quản lý chuyên biệt. Theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, mặt hàng thuốc lá thuộc Danh mục mặt hàng nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện của Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Về thuế nhập khẩu, các mặt hàng thuốc lá đều có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN cao từ 30% đến 135%.
Đặc biệt, tại thời điểm đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, mặt hàng thuốc lá điện tử chưa có trong thương mại quốc tế nên Việt Nam chưa có các cam kết đối với mặt hàng này. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc xác định mức thuế theo cam kết cần được xác định theo bản chất hàng hóa.
Đảm bảo sự đồng bộ
Tại dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đề xuất quy định thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với nhóm 24.04 như sau: mặt hàng chứa nicotine, chứa lá thuốc lá dùng để hít mà không cần đốt cháy (thuộc mã HS 2404.11.00 và HS 2404.12) áp dụng mức thuế suất MFN là 50%, bằng mức thuế suất hiện nay của mặt hàng thuốc lá thành phẩm để đảm bảo thống nhất về thuế suất và tránh gian lận trong phân loại do các mặt hàng trên có công dụng và bản chất là thuốc lá. Mặt hàng chất thay thế lá thuốc lá, thay thế nicotine (HS 2404.19.10 và 2404.19.20), Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thuế suất MFN 50% do bản chất đã có đặc trưng cơ bản của thuốc lá thành phẩm. Còn về mặt hàng khác có chứa nicotine dùng để hấp thụ vào cơ thể người, ví dụ như kẹo cao su có chứa nicotine, miếng dán nicotine (HS 2404.91, 2404.92, 2404.99), để đảm bảo thống nhất về thuế suất và tránh gian lận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, áp mã, Bộ Tài chính đề xuất quy định cùng mức 50% (do mặt hàng này cũng là loại dùng tương tự như thuốc lá nhưng không phải ở dạng hút bằng đốt cháy mà ở dạng ngấm qua da hoặc bằng đường ăn thông thường).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, khi thực hiện theo phương án này sẽ đảm bảo thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hạn chế sử dụng thuốc lá, đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện chính sách quản lý đối với mặt hàng thuốc lá.
Cùng với đó, việc thực hiện phương án này có thể góp phần tăng thu ngân sách nhà nước do một phần các chế phẩm hóa học mã HS 3824.99.99 có thuế suất MFN 0% và hỗn hợp hóa chất (mã HS 2106.90.99) có thuế suất MFN 15% được nâng lên mức thuế suất 50%.
Tuy nhiên, hiện nay, do mã hàng HS 3824.99.99 và HS 2106.90.99 gồm nhiều chủng loại hóa chất khác nhau, thống kê hải quan hiện hành không có thống kê riêng cho từng loại hóa chất trong mã này đã được tách ra và chuyển sang phân nhóm 24.04 nên Bộ Tài chính không có căn cứ để tính toán tác động tăng thu ngân sách nhà nước cụ thể.
Nguồn: Báo Hải Quan Online