Tổng số bài đăng 316.
Bộ Tài chính đề xuất thay đổi mức thuế suất MFN với mặt hàng cua ghẹ để đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong WTO.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, việc phân loại mặt hàng cua ghẹ liên tục có sự điều chỉnh qua các phiên bản Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) khác nhau (2012, 2017). Trong đó, tại Danh mục AHTN 2012, mặt hàng cua ghẹ hun khói (thuế suất thuế nhập khẩu MFN 27%, cam kết WTO 35%) đã được gộp vào các mã hàng cua ghẹ khác là cua ghẹ đông lạnh có thuế suất thuế nhập khẩu MFN 3% (cam kết WTO 15%) và cua ghẹ loại khác có thuế suất thuế nhập khẩu MFN 10% (cam kết WTO 20%).
Để đảm bảo không làm xói mòn mức thuế suất 27% của mặt hàng cua ghẹ hun khói, khi chuyển đổi Biểu thuế theo Danh mục AHTN 2012, Bộ Tài chính đã tách mặt hàng cua ghẹ hun khói sang chương 98 (phân nhóm 9804.23 và 9804.14) và áp dụng mức thuế suất riêng là 27% (tại thời điểm này, việc ban hành Biểu thuế thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Quy định này, được thực hiện cho đến nay.
Cụ thể, mặt hàng cua ghẹ đông lạnh thuộc phân nhóm 0306.14 được chia thành 2 nhóm: cua, ghẹ vỏ mềm (mã HS 0306.14.10 - thuế suất MFN là 3%) và loại khác (mã HS 0306.14.90 - thuế suất MFN là 0%); Mặt hàng cua ghẹ loại khác thuộc phân nhóm 0306.93 được chia thành 2 loại: loại đóng bao bì kín để bán lẻ (mã HS 0306.93.2x) (bao gồm loại hun khói có thuế suất 27% và loại khác có thuế suất 10%) và loại khác (mã HS 0306.93.30) có thuế suất 10%. Ngoài ra, hiện nay, hầu hết các mức thuế suất FTA đối với các mặt hàng cua, ghẹ nêu trên đều bằng 0%.
Đến nay, Danh mục AHTN 2022 tiếp tục chi tiết lại mặt hàng cua ghẹ. Cụ thể, mặt hàng cua ghẹ đông lạnh thuộc nhóm 0306.14 không phân loại theo loại vỏ như Danh mục AHTN 2017 mà tách thành 2 nhóm: hun khói và loại không hun khói (loại khác - mã HS 0306.14.9x). Trong đó, loại không hun khói (chi tiết theo 4 chủng loại cua) được gộp từ 1 phần của 2 mặt hàng hiện đang có mức thuế suất MFN khác nhau: cua, ghẹ vỏ mềm (mã HS 0306.14.10) – thuế suất 3% và loại khác (mã HS 0306.14.90) – thuế suất 0%.
Mặt hàng cua ghẹ loại khác thuộc phân nhóm 0306.93: Danh mục AHTN giữ nguyên chi tiết của mặt hàng cua ghẹ đóng bao bì kín để bán lẻ và tách mặt hàng cua ghẹ loại khác (mã HS 0306.93.30) thành 02 mã hàng mới: 0306.93.31 (hun khói) và 0306.93.39 (loại khác).
Từ thực tế trên, để đảm bảo nguyên tắc phù hợp với cam kết WTO của Việt Nam, tạo thuận lợi cho cơ quan hải quan trong quá trình phân loại và áp mã và không làm xói mòn cơ sở thuế, dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đề xuất thay đổi mức thuế suất MFN với mặt hàng cua ghẹ.
Theo đó, đối với mặt hàng cua ghẹ hun khói, do các mặt hàng này hiện đang được áp dụng mức thuế suất MFN 27% tại phân nhóm 9804.23 và 9804.14 của Chương 98 nên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng mức thuế suất 27% đối với mặt hàng cua, ghẹ hun khói (thuộc các mã HS 0306.14.1x; 0306.93.21, 0306.93.31) khi chuyển đổi sang Danh mục AHTN 2022. Đồng thời, bỏ mặt hàng cua ghẹ hun khói (phân nhóm 9804.23 và 9804.14) tại Chương 98 do mặt hàng này đã được chi tiết cụ thể tại nhóm 03.06 của Danh mục AHTN 2022.
Đối với các mặt hàng cua ghẹ đông lạnh không hun khói (HS 0306.14.9x) được gộp từ các mặt hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN chênh lệch không đáng kể (3% và 0%), cam kết WTO 15%, Bộ Tài chính trình Chính phủ áp dụng mức thuế suất MFN thống nhất là 3% để đảm bảo thuận lợi cho cơ quan hải quan trong quá trình phân loại và áp mã.
Bộ Tài chính đánh giá, thực hiện theo phương án trên sẽ làm thuế suất MFN của mặt hàng cua ghẹ đông lạnh loại không phải vỏ mềm (kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN 81 nghìn USD) tăng từ 0% lên 3%. Việc điều chỉnh này đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong WTO.
"Đây là mặt hàng mà hiện nay kim ngạch chịu thuế thấp, mức điều chỉnh tăng thuế suất cũng không đáng kể nên sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước. Số tăng thu ngân sách nhà nước do sự điều chỉnh này cũng không đáng kể (khoảng 56 triệu đồng). Bên cạnh đó, theo phương án đề xuất sẽ đảm bảo tính đơn giản của Biểu thuế, tạo thuận lợi cho công tác phân loại, áp mã của cơ quan Hải quan.
Nguồn: Báo Hải Quan Online