Tổng số bài đăng 288.
Bộ Tài chính đề xuất xem xét và điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của hai mặt hàng là lốp và kính ô tô để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, áp mã.
Đề xuất xem xét giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng lốp ô tô
Theo Bộ Tài chính, hiện nay đang có sự chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lốp ô tô dùng cho xe khách, xe chở hàng loại có chiều rộng không quá 450 mm (mã HS 4011.20.10 - thuế nhập khẩu MFN 25%, cam kết WTO 25%, thuế suất tại các FTA: ATIGA, VN-EAEU là 0%; VKFTA 25%; CPTPP 13,6%; EVFTA 14%) và mặt hàng lốp dùng cho các xe khác có chiều rộng không quá 450 mm (mã HS 4011.90.10 - thuế nhập khẩu MFN 20%, cam kết WTO 20%, thuế suất tại các FTA: ATIGA, VKFTA, CPTPP là 0%, VCFTA 2% và 7%, EVFTA là 5% và 14,5%).
Mặc dù Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn số 4389/TCHQ-TXN ngày 14/12/2021 nhưng thực tế hiện nay rất khó để xác định công dụng lốp chỉ dùng cho xe ô tô chở hàng, xe khách hoặc lốp chỉ dùng cho xe đầu kéo, rơ mooc, sơmi rơ mooc. Theo đó, khi thực hiện phân loại mặt hàng lốp xe ô tô nhập khẩu phải căn cứ hồ sơ hải quan, thực tế hàng hóa, tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất, thông tin kỹ thuật ghi trên lốp tại các website của nhà sản xuất, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 34:2017/BGTVT để xác định công dụng của lốp, chủng loại lốp... làm cơ sở xác định mã số của loại lốp nhập khẩu theo đúng quy định.
Chính vì vậy, để tạo thuận lợi trong quá trình phân loại, áp mã của cơ quan Hải quan, trên cơ sở kiến nghị của cơ quan Hải quan, tại dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu của mặt hàng lốp ô tô dùng cho xe khách, xe chở hàng loại có chiều rộng không quá 450 mm (mã HS 4011.20.10- AHTN 2017) từ 25% xuống 20% để thống nhất với mức thuế suất thuế nhập khẩu của mặt hàng lốp dùng cho các xe khác có chiều rộng không quá 450 mm (mã số 4011.90.10).
Bộ Tài chính đánh giá, việc thực hiện theo phương án này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 40,5 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, sẽ góp phần hỗ trợ cho các ngành vận tải, các ngành sản xuất sử dụng xe ô tô chở khách, chở hàng, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu và nhiều yếu tố đầu vào đang có xu hướng tăng mạnh hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân loại, áp mã của cơ quan Hải quan và người nộp thuế.
Kiến nghị điều chỉnh thuế với kính ô tô
Cùng với mặt hàng lốp ô tô, một mặt hàng khác cũng đang được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi mức thuế đó là kính ô tô tại nhóm 98.45.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP thì mặt hàng kính ô tô (HS 7007.11.10 và 7007.21.10) đang được chi tiết tại cả nhóm 98.49 và 98.45. Mới đây, Bộ Công Thương, Công ty Thành Công Motor, Công ty Ford đề nghị sửa đổi quy định 2 mặt hàng kính này về Nhóm 98.49 để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước những kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, mặt hàng kính an toàn (bao gồm kính tôi nhiệt an toàn mã HS 7007.11.00 và kính an toàn, kính dán an toàn mã HS 7007.21.10) được chi tiết tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 20%. Để thực hiện ưu đãi đối với ngành ô tô, theo quy định hiện nay, nhóm 98.45 là các nhóm hàng được thực hiện theo Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô. Mặt hàng kính an toàn được chi tiết tại mã số 9845.10.00 và 9845.20.00 theo độ chịu lực và độ bền va đập hay loại được dán nhiều lớp với mức thuế nhập khẩu 25% (để bảo hộ ngành sản xuất kính trong nước). Trong khi đó, tại nhóm 98.49, các mặt hàng là bộ phận, linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định của Chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Trong quá trình tổng hợp ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP, Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô kiến nghị bỏ mã số chi tiết tại nhóm 98.45 và chỉ giữ lại mã số đã chi tiết tại nhóm 98.49 (do việc chi tiết 1 mặt hàng tại 2 mã số, 2 nhóm hàng dẫn đến một số vướng mắc trong việc phân loại, áp mã). Theo quy định hiện hành, ngay cả khi các doanh nghiệp đạt điều kiện của Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất lắp ráp ô tô cũng không được áp dụng mức thuế suất 0% mà phải áp dụng mức thuế nhập khẩu 25%.
Theo đó, để có cơ sở sửa đổi cho phù hợp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về tình hình sản xuất các mặt hàng kính trong nước để Bộ Tài chính có phương án đối với mặt hàng này tại nhóm 98.45. Trường hợp đây là mặt hàng trong nước đã sản xuất được thì Bộ Tài chính trình Chính phủ bỏ mặt hàng này tại nhóm 98.45. Trường hợp bỏ mô tả và mã hàng tại nhóm 98.45 chỉ để chi tiết tại nhóm 98.49 thì theo phương án này dự kiến sẽ giảm số thu ngân sách nhà nước là 2,8 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thực hiện theo phương án này sẽ góp phần đơn giản hóa Biểu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, áp mã.
Nguồn: Báo Hải Quan Online