Tổng số bài đăng 35.
Ngày 18 tháng 9 năm 2022, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54, các Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Ốt-xtrây-li-a, Niu-Di lân đã lần lượt diễn ra tại Xiêm Riệp, Cam-pu-chia, với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế của từng nước đối tác. Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã ghi nhận tình hình triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Hoa Kỳ trong khuôn khổ Thỏa thuận khung Thương mại và Đầu tư ASEAN-Hoa Kỳ (TIFA) và Sáng kiến Hợp tác kinh tế mở rộng (E3) giai đoạn 2021-2022 cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ trong các Chương trình Kết nối ASEAN-Hoa Kỳ, Tăng trưởng bao trùm ở ASEAN thông qua Đổi mới, Thương mại và Thương mại điện tử (IGNITE). Hội nghị đã thông qua Chương trình làm việc Thỏa thuận TIFA và Sáng kiến E3 giai đoạn 2022-2023. Với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ trong khu vực, Việt Nam ủng hộ và đóng góp tích cực vào việc triển khai các sáng kiến đã được ASEAN và Hoa Kỳ thống nhất. Việt Nam cũng kêu gọi Hoa Kỳ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong một số lĩnh vực cả ASEAN và Hoa Kỳ đều có tiềm năng như chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, v.v...
Tại Hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Liên minh châu Âu, các Bộ trưởng đã trao đổi về khả năng triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi ích như: liên kết chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, công nghệ xanh và dịch vụ xanh, v.v... Đồng thời, các Bộ trưởng đã thông qua Chương trình làm việc về Thương mại và Đầu tư trong giai đoạn 2022 – 2023. Đây là chương trình mang tính tham vọng, thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác giữa ASEAN với Liên minh châu Âu trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phực tạp, gây khó khăn cho nền kinh tế cả hai bên nhưng nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, v.v… đang đòi hỏi các nước phải tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác.
Hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Quan hệ Hợp tác và Hữu nghị ASEAN – Nhật Bản vào năm 2023, các Bộ trưởng ASEAN và Nhật Bản rà soát kỹ lưỡng tình hình thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) cũng như việc triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản trong các khuôn khổ như Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản, Lộ trình 10 năm Hợp tác Đối tác Kinh tế Chiến lược ASEAN-Nhật Bản, v.v… đồng thời thảo luận về các đề xuất mới của Nhật Bản cho năm 2023 như Kế hoạch hành động hướng tới “Mô hình tương lai và Kế hoạch hành động cho Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEAN - Nhật Bản sáng tạo và bền vững” cũng như Dự án “Tầm nhìn Đồng sáng tạo Kinh tế ASEAN – Nhật Bản”.
Tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Ốt-xtrây-li-a- Niu Di-lân, các Bộ trưởng tập trung trao đổi về tình hình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ốt-xtrây-li-a – Niu Di-lân (AANZFTA) nhằm đảm bảo Hiệp định này sau khi được nâng cấp sẽ tiếp tục có ý nghĩa và tạo giá trị gia tăng đối với quan hệ thương mại, đầu tư và kinh doanh giữa các bên. Các Bộ trưởng thống nhất sẽ nỗ lực hết sức để kết thúc cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định trong năm 2022 do đây là một trong các Sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Cam-pu-chia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình triển khai Chương trình hỗ trợ Hợp tác kinh tế trong Hiệp định AANZFTA. Tham gia thảo luận tại các hội nghị trên, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến về định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân trong thời gian tới nhằm mục tiêu đạt được những lợi ích thiết thực cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Về nâng cấp Hiệp định AANZFTA, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng đối với việc tập trung nâng cấp các nội dung đem lại giá trị gia tăng thực tế cho tất cả các bên, giúp củng cố chuỗi cung ứng khu vực, góp phần phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ các hội nghị trên, các Bộ trưởng đã dành thời gian trao đổi với các Hội đồng kinh doanh đại diện (Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Nhật Bản – AJBC, Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Liên minh châu Âu – EUABC, Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Vương quốc Anh – UKABC, Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ – USABC, Phòng Thương mại Ốt-xtrây-li-a, Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Niu Di-lân) để trao đổi về các hoạt động hợp tác liên quan cũng như khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tham gia thảo luận tại các hội nghị trên, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến về định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối trong thời gian tới cũng như việc nâng cấp Hiệp định AANZFTA nhằm mục tiêu đạt được những lợi ích thiết thực cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung như củng cố chuỗi cung ứng khu vực và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh nền kinh tế giới đang có nhiều thay đổi và chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Các Hội nghị trên đã kết thúc thành công chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 11 đến 18 tháng 9 năm 2022.
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
Thời gian: 08:00 18/09/2022
Địa điểm: Xiêm Riệp, Cam-pu-chia