Underline menu menu close

ASEAN - khu vực hình mẫu thành công trong toàn cầu hóa

04:04 - 26/09/2022

Những tiến bộ đáng kể

 

Đến nay, trao đổi thương mại nội khối chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. GDP của cả khối năm 2021 đạt 3.360 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2015 khi thành lập Cộng đồng ASEAN. 

 

Bất chấp đại dịch và những căng thẳng địa chính trị gia tăng trong giai đoạn hiện nay, ASEAN luôn kiên định các cam kết đối với chương trình hội nhập kinh tế khu vực, với mức tăng trưởng 3,0% (năm 2021) được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng, đầu tư và thương mại, được hỗ trợ bởi việc triển khai thành công các chương trình tiêm chủng giúp các nền kinh tế trong khu vực mở cửa trở lại. Tính đến tháng 6 năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng đủ liều ở ASEAN đã đạt 66,9%, trong khi 27,9% dân số đã được tiêm nhắc lại. Đà tăng trưởng sẽ tiếp tục lạc quan đến năm 2022 - 2023, với dự báo tăng trưởng lần lượt là 4,9% và 5,2%.

 

Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, trung lập carbon và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực trong những năm tới, ASEAN đang hướng tới tính bền vững và số hóa.

 

ASEAN đã linh hoạt và tiến bộ đáng kể trong việc giữ vững thị trường mở cửa cho thương mại và đầu tư thông qua việc thực hiện Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF). Điều đó đã khẳng định cam kết hợp tác hướng tới phục hồi bền vững sau đại dịch thông qua 5 chiến lược của ACRF: Hệ thống y tế, an ninh con người, hội nhập kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện và tính bền vững.  

 

Xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột

 

Trong hành trình 55 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã và đang dần hoàn thiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột: Chính trị an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Trong đó, để khu vực phát triển thịnh vượng về kinh tế, ASEAN luôn khẳng định cam kết tăng cường hội nhập kinh tế khu vực thông qua thúc đẩy các kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và trước mắt là AEC 2025.

 

Đối với thương mại hàng hóa, ASEAN đã khởi động tiến trình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) vào tháng 3/2022, nhằm đảm bảo rằng, ASEAN vẫn phù hợp, hiện đại, hướng tới tương lai và đáp ứng tốt hơn với khu vực và phát triển toàn cầu. ASEAN cũng đã thực hiện sửa đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D từ ngày 01/5/2022, thông qua các quy tắc sản phẩm cụ thể (PSR) và tiến tới nâng cao quy tắc xuất xứ trong ATIGA để tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực. Hiện có 4 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã ban hành đầy đủ Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử để giảm thời gian và chi phí hành chính cho các doanh nghiệp.

 

Đối với thương mại dịch vụ, ASEAN đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy và tạo thuận lợi cho di chuyển thể nhân qua biên giới liên quan đến cung cấp thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư theo hướng góp phần tăng cường hội nhập khu vực. ASEAN cũng đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), Khuôn khổ Tạo thuận lợi cho Dịch vụ ASEAN (ASSF) như một biện pháp chính sách khả thi để giải quyết gánh nặng hành chính và quản lý không cần thiết, góp phần giảm chi phí trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. 

 

Đối với đầu tư, ASEAN đã thúc đẩy các nguyên tắc và phương thức chuyển đổi danh sách bảo lưu Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) sang cách tiếp cận chọn bỏ gồm hai phụ lục. Trong đó, dự kiến Nghị định thư thứ năm sửa đổi ACIA nhằm đưa ra các nguyên tắc và phương thức đã được thống nhất này sẽ ký kết vào năm tới. Việc chuyển đổi này sẽ không chỉ mang lại sự chắc chắn và minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, kỷ luật mạnh mẽ hơn để tăng cường chế độ đầu tư trong ASEAN.

 

Hướng tới một ASEAN toàn cầu

 

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, bắt đầu khởi động việc hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới bao gồm 1/3 thị trường toàn cầu, tạo ra 30,6% GDP danh nghĩa của thế giới và 28,7% toàn cầu vào năm 2021. Đây là thành tựu rất lớn của ASEAN trong suốt 8 năm đàm phán nói riêng và thể hiện quyết tâm của ASEAN trên chặng đường hội nhập kinh tế khu vực, quy tụ các đối tác đối thoại lớn của ASEAN ở châu Á - Thái Bình Dương. 

 

Bên cạnh các FTA hiện có, ASEAN đang đàm phán hiệp định với Canada nhằm củng cố hơn nữa cam kết của ASEAN về mở cửa thị trường và thương mại, đầu tư dựa trên luật lệ. ASEAN cũng đang nỗ lực nâng cấp các ASEAN+1 để hiện đại hóa các cam kết nhằm duy trì tính phù hợp và có thể đóng góp vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch cũng như khả năng chống chịu về kinh tế trong tương lai bằng cách làm cho các FTA đáp ứng với các thách thức khu vực và toàn cầu. Thông qua các chương trình hợp tác kinh tế với ASEAN, các đối tác đối thoại đã tiếp tục đóng góp vào quá trình xây dựng cộng đồng của ASEAN và thúc đẩy hội nhập của các nền kinh tế với ASEAN.

 

Nguồn: Báo Công Thương