DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN

Theo khung tiêu chuẩn SAFE về đảm bảo và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), những lợi ích của cơ chế doanh nghiệp ưu tiên được chia thành 02 nhóm.

Thứ nhất là nhóm các lợi ích chung bao gồm các chính sách giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm thời gian giao nhận, lưu kho hàng hóa, ưu tiên trong tiếp cận thông tin và trao đổi với chính phủ và các cơ quan.

Thứ hai là nhóm các lợi ích cụ thể cho từng bên trong giao dịch xuất nhập khẩu bao gồm người xuất khẩu, người nhập khẩu, đơn vị cung cấp dịch vụ kho bãi, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics.

Quy định về doanh nghiệp ưu tiên hiện hành đã đưa ra một số lợi ích chung như miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hoá trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh, các lợi ích về thời hạn nộp hồ sơ hải quan, xử lý nộp thuế.

Mặc dù còn nhiều không gian chính sách được yêu cầu để bổ sung lợi ích cho doanh nghiệp ưu tiên trong thời gian tới, nhưng cơ chế hiện nay đã giúp đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm thời gian làm thủ tục hải quan, mang lại lợi ích không nhỏ về quản lý dòng tiền, cắt giảm đáng kể chi phí logistics, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp.

Cơ chế ưu tiên có thể xem là một trong những phương án khả thi để cắt giảm chi phí, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trung bình và lớn trước tình hình Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ở thời điểm hiện tại, các điều kiện quy định áp dụng cho doanh nghiệp ưu tiên vẫn còn tương đối mở; các doanh nghiệp nếu thỏa mãn điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu sẽ có cơ hội rất lớn để áp dụng được cơ chế này.

Ngoài ra, khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ được tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên. Đây là tập hợp của những doanh nghiệp, tổ chức có quy mô hàng đầu tại Việt Nam, và có ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về quản lý doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu, đóng góp vào quá trình xây dựng và điều chỉnh chính sách quản lý, trong đó có chính sách về thuế xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan.

Về thương mại quốc tế, cơ chế doanh nghiệp ưu tiên có thể coi như một chứng chỉ đảm bảo về độ tin cậy, năng lực kinh tế, và tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Trong thời gian tới khi Việt Nam áp dụng Thỏa thuận Công nhận Lẫn nhau (MRA) với các nước như Hàn Quốc, ASEAN, doanh nghiệp ưu tiên của Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi được tiếp cận gần hơn, nhanh hơn với nhiều khách hàng mới và tiềm năng tại các nước đối tác.

 

ĐIỀU KIỆN NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN?

Theo Thông tư 72/2015/TT-BTC, tuân thủ các điều kiện về hải quan, thuế là một trong những yếu quan trọng đầu tiên doanh nghiệp cần đáp ứng nếu muốn được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.

1. Điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế

Trong thời hạn 2 năm liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi sau:

- Trốn thuế, gian lận thuế; buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan;

- Không nợ thuế quá hạn theo quy định.

2. Điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu

Doanh nghiệp ưu tiên phải đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên hoặc đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên.

Nếu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam thì phải đạt kim ngạch xuất khẩu từ 30 triệu USD/năm trở lên.

Kim ngạch quy định trên là kim ngạch bình quân của 2 năm liên tục, gần nhất tính đến ngày doanh nghiệp có văn bản đề nghị xem xét, không bao gồm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác. Không áp dụng điều kiện kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đối với các doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.

3. Điều kiện về thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử

Để được nhận được các chế độ ưu tiên hải quan, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu kiểm tra của cơ quan hải quan.

4. Điều kiện về thanh toán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Một trong những điều kiện để trở thành doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp phải thanh toán lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu qua ngân hàng.

5. Điều kiện về kế toán, kiểm toán

Doanh nghiệp cần áp dụng các chuẩn mực kế toán theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập. Ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính nêu trong báo cáo kiểm toán phải là ý kiến chấp nhận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

6. Điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ

Doanh nghiệp phải đạt điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ thì mới được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên. Để đạt điều kiện này, doanh nghiệp cần:

- Thực hiện và duy trì các quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp;

- Có các biện pháp, phương tiện, quy trình kiểm soát nội bộ đảm bảo an ninh an toàn dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Có đến 6 điều kiện để trở thành doanh nghiệp ưu tiên. Nếu đối chiếu với các điều kiện trên mà thấy mình đủ điều kiện, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ tới Tổng cục Hải quan để được xem xét công nhận.

 

DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN NHẬN ĐƯỢC CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN NÀO?

Khi doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định sẽ được áp dụng chế độ ưu tiên. Các chế độ ưu tiên bao gồm:

Ưu tiên về kiểm tra hàng hóa: Được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

Thông quan bằng tờ khai giấy chưa hoàn chỉnh: Khi Hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan gặp sự cố hoặc tạm dừng hoạt động (được Tổng cục Hải quan thông báo chính thức trên hệ thống/trang điện tử), doanh nghiệp sử dụng tờ khai chưa hoàn chỉnh bằng giấy để làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan: Trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc trong khâu thông quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp bằng văn bản trong thời gian 08 giờ làm. Cục Hải quan có trách nhiệm, phối hợp các tổ chức kinh doanh cảng, kho bãi trên địa bàn quản lý áp dụng các ưu tiên về xếp dỡ, thứ tự giao nhận đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên.

Thủ tục đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành: Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro để thực hiện kiểm tra sau.

Thủ tục về thuế: Được hoàn thuế trước, kiểm tra sau; được ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.

Thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ: Nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp mua từ kho ngoại quan được thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau.

Kiểm tra sau thông quan: Được ưu tiên miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

 

CÁC THỦ TỤC LIÊN QUAN ĐẾN DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN

1. Thủ tục công nhận Doanh nghiệp ưu tiên

2. Thủ tục hải quan điện tử đăng ký công nhận thương nhân ưu tiên đặc biệt

3. Thủ tục đánh giá lại, gia hạn Doanh nghiệp ưu tiên

4. Thủ tục hải quan điện tử với thương nhân ưu tiên đặc biệt

5. Danh sách các Doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam năm 2021