Underline menu menu close
Turn back

Chi tiết thủ tục

Tóm lược

Tên thủ tục
4.4. Thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập
Cơ quan chủ trì
Tổng cục Hải quan
Danh mục thủ tục theo ATR
Kiểm tra trước khi giao hàng và các thủ tục khác

Chi tiết

Tên thủ tục

Thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập

Loại thủ tục

Thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan

Cơ quan chủ trì         

Tổng cục Hải quan, Chi cục Hải quan

Cơ sở pháp lý                   

- Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

- Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

- Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

- Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

 

Thủ tục hải quan tạm nhập hàng hoá được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi lưu giữ hàng hóa tạm nhập.

Thủ tục hải quan tái xuất được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất. Riêng hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện theo quy định của Chính phủ thì phải làm thủ tục hải quan tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập.

 

1. Quản lý hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất

a) Không cho phép chia nhỏ container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định.

Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ container để tái xuất thì thương nhân có văn bản đề nghị trong đó nêu rõ lý do, thời gian thực bắt đầu và kết thúc việc thay đổi, chia nhỏ container để tái xuất; Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi quản lý các địa điểm lưu giữ hàng hóa xem xét quyết định nếu hàng hóa, phương tiện đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Hàng hóa đang được lưu giữ tại các địa điểm quy định tại khoản 5 Điều 82 Thông tư 38/2015/TT-BTC hoặc các điểm thông quan; địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu ở biên giới;
  • Container hoặc phương tiện vận tải hàng hóa phải đảm bảo điều kiện để niêm phong hải quan; Trường hợp không thể niêm phong hải quan thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất áp dụng phương thức giám sát hải quan phù hợp đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

b) Hàng hóa trong thời gian chuyển sang container hoặc phương tiện vận tải khác phải chịu sự giám sát hải quan;

c) Hàng hoá tạm nhập, tái xuất đã làm thủ tục hải quan phải được tập kết đầy đủ tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu tạm nhập hoặc cửa khẩu tái xuất và tái xuất qua cửa khẩu trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ khi hàng đến cửa khẩu xuất; trường hợp chưa thể xuất được hoặc chưa xuất hết, nếu thương nhân có văn bản đề nghị thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất xem xét, gia hạn để xuất khẩu hết trong các ngày kế tiếp, nhưng phải trong thời hạn lưu giữ tại Việt Nam. Trong thời gian chờ tái xuất tiếp, hàng hóa phải được lưu giữ tại các địa điểm quy định tại khoản 5 Điều 82 Thông tư 38/2015/TT-BTC;

d) Trường hợp cửa khẩu tái xuất khác cửa khẩu tạm nhập, Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập thực hiện niêm phong hàng hóa để giao cho người khai hải quan vận chuyển hàng hóa ra cửa khẩu tái xuất.

 

2. Quản lý hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa (hoặc cảng nội địa)

a) Hàng hóa đã làm thủ tục tạm nhập, chưa làm thủ tục tái xuất chỉ được gửi kho ngoại quan hoặc cảng nội địa do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập quản lý. Việc kiểm tra thực tế khi làm thủ tục tái xuất được thực hiện tại kho ngoại quan hoặc cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập quản lý; Hàng hóa đã làm thủ tục tái xuất được gửi kho ngoại quan hoặc cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa tại cửa khẩu xuất.

b) Quản lý hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.

- Sau khi đã làm thủ tục hải quan tạm nhập hoặc tái xuất, nếu hàng hóa còn trong thời hạn được lưu giữ tại Việt Nam thì thương nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tái xuất đề nghị được gửi vào kho ngoại quan hoặc cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa để chờ làm thủ tục tái xuất hoặc chờ thực xuất, trong đó nêu rõ số tờ khai tạm nhập hoặc tờ khai tái xuất;

- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tái xuất xác nhận (ký tên, đóng dấu công chức) trên công văn đề nghị và trả cho doanh nghiệp để làm thủ tục đưa vào kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, đồng thời sao chụp lưu kèm hồ sơ hải quan;

- Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đã làm thủ tục tạm nhập thực hiện như đối với hàng hóa từ nội địa đưa vào kho ngoại quan theo hướng dẫn tại Điều 91 Thông tư 38/2015/TT-BTC;

- Việc giám sát hải quan đối với hàng hóa đã làm thủ tục hải quan tạm nhập vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa để chờ làm thủ tục tái xuất và ngược lại thực hiện như đối với hàng hóa nhập khẩu vận chuyển đang chịu sự giám sát hải quan theo hướng dẫn tại Thông tư 38/2015/TT-BTC;

 

3. Quản lý, theo dõi tờ khai hải quan tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập

3.1 Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất

- Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập theo dõi lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất trên Hệ thống.

- Trường hợp việc khai hải quan tạm nhập, tái xuất thực hiện trên tờ khai hải quan giấy thì việc theo dõi lượng hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất được thực hiện trên tờ khai hải quan giấy;

3.2 Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP

- Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất theo dõi, quản lý lượng hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập trên Hệ thống. Quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất đã đăng ký với cơ quan hải quan nhưng chưa làm thủ tục tái xuất, tái nhập hoặc chưa thực hiện việc gia hạn thời gian tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thì cơ quan hải quan xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện ấn định thuế (nếu có).

- Trường hợp việc khai hải quan tạm nhập, tạm xuất thực hiện trên tờ khai hải quan giấy (bao gồm cả trường hợp khai trên Bảng kê tạm nhập hoặc tạm xuất container/bồn mềm rỗng đối với phương tiện quay vòng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 49 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP) thì thủ tục tái xuất, tái nhập và theo dõi lượng hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thực hiện trên tờ khai hải quan giấy.