Underline menu menu close

Tỷ giá tăng cao và nỗi lo của doanh nghiệp xuất nhập khẩu

01:36 - 19/05/2022

Trên thị trường ngoại tệ những ngày qua, tỷ giá USD/VND đang có biến động tăng mạnh. Điều này đặt ra bài toán áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu được lợi từ chênh lệch tỷ giá

Từ đầu tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm %, lên mức 0,75-1%. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ 5/2020 nhằm kiềm chế lạm phát. Trước đó, trong phiên họp giữa tháng 3, FED đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản từ mức 0 - 0,25% lên 0,25-0,5%. Như vậy, sau hai lần điều chỉnh, mức lãi suất cơ bản hiện tại của FED là 0,75-1%.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, những động thái này của Mỹ có tác động trực tiếp tới kinh tế - tài chính Việt Nam, mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn. Bởi việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, động thái của FED sẽ có tác động nhãn tiền tới tỷ giá, lãi suất và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam. USD sẽ mạnh lên, VND không tăng giá so với USD nhưng tăng so với nhiều đồng tiền khác như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)... do VND đã neo theo đồng USD. “Hơn nữa, nếu VND không điều chỉnh tỷ giá theo diễn biến thị trường, Mỹ sẽ cho rằng Việt Nam phá giá, thao túng tiền tệ. Điều này khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên tương đối. Từ đó, gây áp lực cho xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ” TS. Nghĩa nêu rõ.

Khảo sát của phóng viên trên thị trường cho thấy, tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng từ ngày 16/3 (lần FED tăng lãi suất đầu tiên) tới nay đã tăng 0,36% khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng 6,02% so với ngày 16/3. Tại các ngân hàng thương mại, tính tới phiên ngày 16/5, tỷ giá VND/USD đang đứng ở mức 22.900-23.230 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng gần 130 đồng trong gần 7 ngày qua.

Nói về tác động của tỷ giá tăng đến xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho rằng, điều này sẽ có lợi. Vị này lấy ví dụ, năm 2020, tỷ giá bình quân chung giảm hơn 3%, nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu 1 triệu USD thì mất gần 6 tỷ đồng. Nhưng hiện tỷ giá đang neo ở mức khá cao, trung bình trong khoảng 23.000 VND/USD, nghĩa là đã tăng khoảng 1,76% so với hồi đầu năm 2022, nên sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nếu duy trì được mức này. Với số tiền tăng thêm từ chênh lệch tỷ giá, doanh nghiệp có thêm nguồn thu để giải quyết các vấn đề về tăng lương, tăng giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu… từ đó góp phần giảm áp lực về bài toán chi phí cho doanh nghiệp.

Áp lực vẫn rất lớn

Theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá tại Việt Nam năm 2022 sẽ tăng khoảng 0,8-1,2%. Nguyên nhân do chỉ số USD hiện đã có mức tăng quá lớn, lên tới 7% so với cuối năm 2021. Ngoài ra, trong nước, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao (trên 110 tỷ USD); nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại dự báo thặng dư 4-8 tỷ USD trong cả năm 2022 cùng với việc Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường… sẽ góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, so với các đồng tiền tại các nước trong khu vực như CNY (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)... thì hiện biến động tỷ giá của VND có phần khiêm tốn hơn, khi chỉ tăng 0,53% trong tháng 4 và 0,57% so với cuối năm 2021, trong khi đồng Won hay CNY có lúc tăng tới 3-4%. Theo các chuyên gia, USD đang tăng giá nên không ít quốc gia đã phải phá giá đồng tiền để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Vì thế, các doanh nghiệp cho rằng, tỷ giá tại Việt Nam ít biến động sẽ có lợi cho kinh tế vĩ mô nhưng có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên, làm giảm sức cạnh tranh.

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH Big Phone Vietnam cho hay, việc giữ ổn định tỷ giá giữa VND với USD có lợi nếu doanh nghiệp giao thương với những đối tác tại Mỹ và sử dụng đồng tiền thanh toán là USD. Nhưng nếu đối tác yêu cầu doanh nghiệp phải quy đổi sang đồng nội tệ lại có thể tạo thành chênh lệch lớn nếu đồng tiền của quốc gia đó đang chịu tác động mất giá mạnh. Do vậy, hàng hóa của Việt Nam khi giao dịch tại thị trường đó sẽ bị tăng giá. Ngoài ra, tỷ giá trong nước tăng cao sẽ giúp hạn chế hàng nhập khẩu, từ đó giảm áp lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước. Nhưng điều này đồng nghĩa với những áp lực rất lớn từ chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất sẽ tăng lên tương ứng.

Hiện thị trường quốc tế vẫn còn nhiều biến động, nhất là khi diễn biến dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, do đó, thị trường tiền tệ sẽ còn nhiều biến động. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải chủ động trong các vấn đề liên quan đến tỷ giá, thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường để chủ động trong việc điều hành cân bằng nhiều mục tiêu như điều tiết cung tiền, lạm phát, tỷ giá... giúp nâng cao giá trị đồng Việt Nam.

Nguồn: Báo Hải Quan Online