Tổng số bài đăng 312.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 0,1% so với báo cáo tháng 4 vừa qua, tức dự báo tăng trưởng đạt 4,6% năm 2024.
Theo IMF, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đóng góp 60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024, nhờ vào sự chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực có năng suất cao như dịch vụ có thể giao dịch, đồng thời lưu ý rằng “sức mạnh vẫn tập trung ở các nền kinh tế mới nổi”.
IMF đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ thêm 0,2% lên 7%, nhờ vụ mùa bội thu và mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng. IMF cho biết: “Ấn Độ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới”.
Tăng trưởng của ASEAN được dự báo tăng trưởng “mạnh mẽ” 4,6% vào năm 2024 và 4,7% vào năm 2025, phần lớn được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước và xuất khẩu mạnh mẽ.
Đối với Trung Quốc, thị trường mà nhu cầu tiêu dùng cá nhân đã trì trệ, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2024 xuống còn 4,8%, do nhu cầu trong nước đáng thất vọng từ tháng 4 đến tháng 6.
Dự báo tăng trưởng năm 2025 cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng đã nâng 0,1% lên 4,4%, vì việc nới lỏng chính sách tiền tệ dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu tư nhân, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến.
Mặc dù dự báo được cải thiện đôi chút, IMF cảnh báo rằng "bối cảnh rủi ro đã xấu đi kể từ tháng 4", trích dẫn các căng thẳng địa chính trị ngày càng diễn tiến không tích cực, sự điều chỉnh đang diễn ra của thị trường bất động sản Trung Quốc và những bất ổn khác xung quanh các nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Ví dụ, Donald Trump định áp mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với tất cả các quốc gia khác nếu ông được bầu lại trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Theo IMF, suy thoái kéo dài ở Trung Quốc sẽ "gây hại cho cả khu vực và nền kinh tế toàn cầu", vì áp lực giá liên tục giảm của Trung Quốc có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh ở các quốc gia có cơ cấu xuất khẩu tương tự như Trung Quốc, dẫn đến căng thẳng thương mại. Mặc dù Trung Quốc có "vấn đề lớn" trong lĩnh vực bất động sản, nhưng có thể giải quyết "bằng các biện pháp cải cách chính sách và chính sách phù hợp" vì vấn đề này chỉ mang tính cục bộ. IMF khuyến nghị Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ tương đương khoảng 5,5% tổng sản phẩm quốc dân trong bốn năm để phục hồi lĩnh vực nhà ở. IMF nhấn mạnh rằng "phản ứng chính sách của Trung Quốc là rất quan trọng", vì việc kích thích sản xuất và xuất khẩu có thể làm căng thẳng thêm, trong khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh lĩnh vực bất động sản và khuyến khích tiêu dùng tư nhân sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
(Nguồn: Tổng hợp từ Nikkei Asia)