Tổng số bài đăng 237.
Chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lần này tại Vương quốc Anh sẽ góp phần củng cố sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược song phương, khẳng định chủ trương của Việt Nam duy trì môi trường ổn định nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh thời gian qua phát triển mạnh mẽ, tích cực. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Việt Nam và Anh vẫn duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Hai bên ra Tuyên bô chung nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (tháng 9/2020) với tầm nhìn hướng tới nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn. Hai nước đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) tháng 12/2020. Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam ở châu Âu, đứng thứ 15 trong số các nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Hai bên cũng tăng cường học tác khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục, ứng phó BĐKH, năng lượng sạch, di cư, an ninh - quốc phòng.
Trong chuyến thăm chính thức Anh tháng 3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Gordon Brown Việt Nam - Anh đã ra Tuyên bố chung khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định theo hướng “Quan hệ Đối tác vì sự phát triển”. Chuyến thăm Anh của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tháng 9/2010, hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.
Gần đây, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab (30/9/2020), Việt Nam - Anh đã ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược (30/9/2020) với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên và khẳng định hai bên hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.
Các cơ chế hợp tác song phương hiện có: Cơ chế Đối thoại An ninh - Quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao định kỳ luân phiên (thiết lập theo Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược 2010; đã có 7 phiên họp); Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng (lần thứ nhất năm 2018); Phiên họp Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JETCO) (lần thứ 11, 2019).
Về hợp tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong thời gian Việt Nam là thành viên không thường trực HĐBA/LHQ khóa 2008 - 2009, khóa 2020 – 2021. Hai bên cùng là thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016. Anh thúc đẩy hợp tác và tranh thủ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để mở rộng quan hệ với ASEAN; Việt Nam ủng hộ đề nghị Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN (Ngày 5/8/2021, Anh đã trở thành Đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN). Hiện Anh đã đề nghị gia nhập CPTPP (2/2021) và mong muốn Việt Nam ủng hộ Anh.
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Anh đã ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới; thường có lập trường đứng về phía Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và EU và ủng hộ EU công nhận Việt Nam là nước có Quy chế kinh tế thị trường.
Quan hệ thương mại Việt Nam và Anh tăng nhanh từ những năm 1990 đến nay. Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt- Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng chững lại 9-10%/năm.
Thương mại hai chiều Việt Nam - Anh năm 2020 đạt khoảng 5,6 tỉ USD (xuất khẩu đạt 4,9 tỉ USD, nhập khẩu đạt 700 triệu USD). Trong nửa năm đầu 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Anh tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 3,293 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,88 tỷ USD, tăng 28.9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu từ Anh đạt 413 triệu USD, tăng 22.1%. Nửa đầu năm 2021, xuất siêu từ Việt Nam sang Anh có giá trị 2,5 tỷ USD, tăng 30.2% so với cùng kỳ 2020.
Hiện nay, trong số các đối tác thương mại của Anh, Việt Nam xếp thứ 38 trong tổng số 241 đối tác, xếp thứ 25/233 nước có xuất khẩu vào Anh. Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu vào Anh, chiếm 3,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh.
Đối với Việt Nam, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại- linh kiện, hàng dệt may, giày dép, sắt thép các loại, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và nhập khẩu từ Anh gồm máy móc, thiết bị, dược phẩm, sản phẩm hoá chất, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, ô tô nguyên chiếc...
Năm 1998, Anh thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam và các hoạt động từ thiện tại Việt Nam. Ngày 19/7/2007, hai bên đã ký thoả thuận thành lập Uỷ ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JETCO) nhằm đề ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, họp luân phiên tại Hà Nội và London (đã qua 11 phiên họp). Tháng 11/2011, Anh tuyên bố thành lập Hội đồng Kinh doanh Anh – ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Anh - ASEAN.
Việt Nam - Anh đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tại London (29/12/2020) trên nguyên tắc kế thừa EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh; trao đổi công hàm khẳng định Hiệp định UKVFTA (26/3/2021) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA gồm: thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực và pháp lý – thể chế. Với nền tảng kế thừa Hiệp định EVFTA, UKFTA sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Anh.
Về Đầu tư của Anh tại Việt Nam: Các công ty Anh vào Việt Nam sớm (1988-89) nhưng thời gian đầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu khí (70% tổng đầu tư). Cho đến nay, đầu tư của Anh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới.
Về đầu tư, Anh đứng trong top 20 nước hàng đầu có vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Nhìn chung, các dự án đầu tư của Anh có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 118 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,5 tỷ USD, chiếm 37.8% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 23 dự án, tổng vốn đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm 26,6%; lĩnh vực khai khoáng với 7 dự án, tổng số vốn đầu tư 701,4 triệu USD, chiếm 17,9%; và các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, dịch vụ lưu trú và ăn uống, cấp nước và xử lý nước thải, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, tài chính ngân hàng, bảo hiểm...
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến ngày 20/7/2021, Anh có 428 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 3,9 tỷ USD, đứng thứ 15/140 trong số các nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, chiếm 0.98% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.
Các công ty lớn có mặt tại Việt Nam: Công ty dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, động cơ máy bay Rolls-Royce, viễn thông Vodafone, vận tải P&O, hoá chất dược GlaxoSmithKline, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential. Ngân hàng Standard Chartered Bank và Ngân hàng HSBC là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.
Về địa bàn đầu tư, Anh đã đầu tư vào 35 tỉnh thành của Việt Nam và các dự án dầu khí ngoài khơi, dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh với 193 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 905,7 triệu USD (chiếm 23,1% tổng số vốn đăng ký của Anh tại Việt Nam). Tiếp theo là các dự án dầu khí ngoài khơi với 5 dự án, tổng vốn đăng ký 688,2 triệu USD.
Đến tháng 7/2021, Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Anh với tổng vốn 20,1 triệu USD, xếp thứ 37/78 các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam. Các dự án đầu tư sang Anh thuộc 04 lĩnh vực: Bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xa máy và xe có động cơ khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; vận tải kho bãi.
Hợp tác quốc phòng – an ninh phát triển tích cực. Hai bên trao đổi nhiều đoàn quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin, mua bán trang thiết bị; hai bên cử Tuỳ viên Quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Anh lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam tháng 7/2021.
Những năm gần đây, Anh thường xuyên có tàu hải quân thăm Việt Nam. Bộ Quốc phòng hai nước đã nâng Đối thoại chính sách quốc phòng thường niên lên cấp Thứ trưởng (đã duy trì 3 phiên họp, luân phiên tại mỗi nước); thiết lập Nhóm công tác về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực ưu tiên như về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đào tạo tiếng Anh, an ninh biển, đồ bản và thủy đạc cho Việt Nam.
Hai bên thúc đẩy hợp tác, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, chống khủng bố, phòng chống di cư bất hợp pháp, buôn bán người, triển khai Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù và Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Ngày 21/11/2018, Việt Nam và Anh đã ký Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hợp tác phòng, chống mua bán người; đang hợp tác triển khai Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại: Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” (2018-2021) do Chính phủ Anh tài trợ, với sự tham gia của 3 tổ chức gồm Tổ chức Di cư quốc tế, Hội đồng Anh và Tổ chức Tầm nhìn thế giới, tập trung tại 5 địa phương trọng điểm là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ngày 28/10/2004, Việt Nam và Anh đã ký kết Bản Ghi nhớ về các vấn đề di cư tại Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác song phương về các vấn đề di cư, đặc biệt là tạo thuận lợi cho di cư hợp pháp, chống nhập cư trái phép và bảo đảm hồi hương nhanh chóng, hiệu quả người nhập cư trái phép. Tại Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ 7, (7/2019).
Về hợp tác phát triển, Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam (50 triệu Bảng Anh/năm cho giai đoạn 2006 – 2010), đã hoàn thành Thỏa thuận về Đối tác phát triển (ADP) 10 năm với Việt Nam giai đoạn 2006 – 2015. Mặc dù từ năm 2016, Anh dừng cung cấp viện trợ phát triển ODA, nhưng Anh vẫn duy trì hỗ trợ cho Việt Nam qua các quỹ phát triển như Quỹ Thịnh vượng, Quỹ Newton, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo. Những lĩnh vực Anh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam hướng tới nền công nghiệp 4.0: gồm quản trị công và bền vững về nhân văn; nền kinh tế carbon thấp và khả năng phục hồi khí hậu; thương mại toàn cầu và môi trường kinh doanh…nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế, văn hóa…
Về Giáo dục - Đào tạo, Anh chú trọng phát triển hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này với sự hiện diện của Cơ quan phát triển văn hoá – giáo dục (Hội đồng Anh) tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tích cực thúc đẩy sự tham gia của hệ thống các trường hàng đầu của Anh trong liên kết đào tạo cũng như hợp tác xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Bao gồm Đại học Apollo và Đại học Anh tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh trong Đại học Đà Nẵng (giai đoạn I của trường Đại học Việt - Anh tại Đà Nẵng). Đã có 32 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng hai nước đã được thiết lập. Hiện cũng có hơn 12.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Anh.
Về Khoa học công nghệ, Anh tham gia hoạt động hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, nghiên cứu và đổi mới thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở Việt Nam. Ngày 28/11/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Năm 2014, Chính phủ Anh đưa Việt Nam thành một trong những nước ưu tiên tham gia vào Chương trình liên kết nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Quỹ Newton) . Ngày 03/06/2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Đại sứ Anh tại Hà Nội đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Chương trình Newton Việt Nam) dùng nghiên cứu và đổi mới thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở Việt Nam với hỗ trợ 10 triệu Bảng Anh cho giai đoạn từ 2015-2019 (đã hết hạn vào tháng 6/2020).
Hai bên cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) năm 2015; Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá ký năm 2019 giữa Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng và Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI).
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Anh Dominic Raab (9/2020), hai bên ra Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt – Anh, tiếp tục khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có thông qua khoa học công nghệ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, hợp tác khoa học trong lĩnh vực y tế (hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong y tế, y tế số, nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin); giáo dục (xây dựng nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số, khoa học công nghệ giáo dục). Phía Anh khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam qua Quỹ Newton trong thời gian tới, trước mắt là hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Về hợp tác ứng phó COVID-19, Anh là nước đóng góp nhiều cho COVAX với vắc-xin do AstraZeneca/Đại học Oxford cùng phát triển. Tại hội đàm ngày 22/6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Raab cho biết Anh sẵn sàng trao đổi, vận động AstraZeneca (Phía Anh đầu tư 735 triệu Bảng đến năm 2021 để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo với các nước đối tác ưu tiên), chuyển giao công nghệ và hỗ trợ ta xây dựng năng lực tự sản xuất vắc-xin. Ngày 14/07/2021, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam có công hàm số MOFA 82/2021 chính thức thông báo Chính phủ Anh tặng Việt Nam 415.000 liều vắc-xin AstraZeneca.
Tháng 11/2020, Bộ Y tế, Công ty Cổ phần vắc-xin Việt Nam (VNVC) và Tập đoàn AstraZeneca đã ký kết đặt mua 30 triệu liều vắc-xin COVID-19, được tiến hành giao theo nhiều đợt. Đến ngày 27/9/2021, gần 15 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 của hợp đồng này đã về đến Việt Nam. Ngày 19/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Tổng Giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot để thúc đẩy đưa vắc-xin về Việt Nam. Ngày 21/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đề nghị, trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược, cung cấp máy thở không xâm lấn (CPAP) với số lượng lớn nhất có thể cho Việt Nam.
Anh sẽ tiến hành công nhận chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID của Việt Nam. Theo đó, những người có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Việt Nam khi nhập cảnh vào Anh sẽ không phải tự cách ly khi nhập cảnh 10 ngày, không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước chuyến bay nhưng vẫn phải điền “passenger locator form” trước khi xuất cảnh và phải làm xét nghiệm COVID vào ngày thứ 2 sau khi nhập cảnh.
Hiện có khoảng 100.000 người Việt ở Anh, bao gồm cả 12.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh. Cộng đồng người Việt ở Anh nhìn chung sống hòa nhập, ổn định, 90% sống tập trung tại các thành phố lớn như London, Birmingham, Manchester…
Về các hội đoàn người Việt, một số hội đoàn có những hoạt động tích cực. Góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng và hướng về xây dựng quê hương: Hội người Việt Nam tại Anh (thành lập từ những năm 1980), Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (thành lập năm 2006), Hội Gia đình Việt (trong đó có Trường dạy tiếng Việt; thành lập năm 2006), Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh (SVUK, thành lập năm 2005), Hội sinh viên Việt Nam tại một số thành phố, trường đại học (Vietsoc), Hội đồng hương Hải Phòng tại Vương quốc Anh, Hội trí thức trẻ Việt Nam lập nghiệp tại Anh (Vietpro, thành lập năm 2010), Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ai-len (VIS UK Ireland, thành lập năm 2020) , Hội trí thức trẻ Việt Nam tại Anh, Nhóm các chuyên gia Việt Nam tại Anh.
Ngoài ra, có một số hội đoàn hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo mà Đại sứ quán đã thiết lập quan hệ như: Hội Phật giáo Việt Nam tại Anh và Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại London. Nhìn chung, các hội đoàn của người Việt tại Anh có quan hệ tốt, gần gũi với cơ quan đại diện, có nhiều nỗ lực và đóng góp tích cực trong công tác hỗ trợ, động viên, đoàn kết kiều bào, giúp nhau hòa nhập xã hội sở tại đồng thời hướng về quê hương đất nước. Khó khăn chung của các Hội là cơ cấu tổ chức chưa thực sự chặt chẽ, chưa mang tính đại diện cao, thiếu kinh phí hoạt động…
Trong năm 2020, cộng đồng người Việt tại Anh bị tác động bởi dịch Covid-19 trên tất cả hoạt động đời sống, kinh doanh. Mặc dù gặp khó khăn trong cuộc sống, kiều bào Anh vẫn hướng về đất nước, tích cực ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 hơn 2,2 tỷ VNĐ.
Chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lần này tại Vương quốc Anh sẽ góp phần củng cố sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược song phương, khẳng định chủ trương của Việt Nam duy trì môi trường ổn định nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Chuyến thăm nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế, công nghiệp dược, triển khai ngoại giao vắc-xin...