Tổng số bài đăng 237.
Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu) của cơ quan Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã được Bộ Công Thương dịch sơ lược với 6 Chương và 79 Điều nhằm đưa cái nhìn tổng quan về Lệnh này, trong đó, đưa ra những vấn đề đáng lưu ý nhằm khuyến nghị đến các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Áp lực với doanh nghiệp là rất lớn
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), đối với Lệnh 249, cơ quan Hải quan Trung Quốc với 6 lưu ý. Cụ thể, họ đặt ra yêu cầu đánh giá sự phù hợp, nghĩa là hệ thống đánh giá an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc là như nhau thì sẽ công nhận lẫn nhau; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến; yêu cầu cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; thay đổi yêu cầu về ghi nhãn; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia.
Về thông tin lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi - cho hay, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc này thuận lợi cho các Bộ ngành do không phải sang Trung Quốc để đàm phán cũng như không phải đón các đoàn chuyên gia Trung Quốc vào Việt Nam tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp trong nước trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mặt trái của việc này đó là nếu trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này gặp vấn đề thì họ sẽ điều tra và phỏng vấn trực tiếp doanh nghiệp đó. “Doanh nghiệp hiểu như thế nào đối với Lệnh 248 (Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài), Lệnh 249; hiểu như thế nào về các quy định của Trung Quốc liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, nếu doanh nghiệp không trả lời được thì sẽ bị tạm dừng tư cách xuất khẩu”, ông Sơn lưu ý.
Do đó, quy định này một mặt sẽ thuận tiện cho doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, áp lực đối với doanh nghiệp là rất lớn trong công tác tổ chức sản xuất. Buộc doanh nghiệp phải tìm hiểu các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc.
Đối với thay đổi về yêu cầu ghi nhãn, theo quy định trong Lệnh 249, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Mã này không được cắt dán, mà phải in trực tiếp, cả trong lẫn ngoài bao bì, tới phần đóng gói nhỏ nhất không thể chia được. Mã số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp, và được thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong thời gian tới. Bao bì bên ngoài sản phẩm phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung Quốc/ tiếng Anh, hoặc tiếng Trung Quốc và nước xuất khẩu (khu vực). Các thông tin cần có: nước xuất khẩu, tên sản phẩm, số đăng ký của nhà sản xuất, số lô sản xuất, bao bì bên ngoài phải ghi thông số kỹ thuật, nơi sản xuất (cụ thể đến huyện/ tỉnh/ thành phố), và điểm đến phải ghi rõ là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời có dấu kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Ông Tô Ngọc Sơn nhận định, thị trường Trung Quốc đặt ra những yêu cầu rất lớn. Do đó, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý bởi nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước sẽ dẫn đến phát sinh chi phí rất nhiều. “Trong tài liệu tóm tắt giới thiệu quy định về Lệnh số 248, 249 và một số hướng dẫn liên quan cho doanh nghiệp do Bộ Công Thương biên soạn có hình ảnh mẫu nhãn mang tính tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về việc này”, ông Tô Ngọc Sơn cho biết thêm.
Về việc đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia của cơ quan Hải quan trung Quốc, theo ông Tô Ngọc Sơn, có những sản phẩm trong thời kỳ mới như thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm nhân tạo, Trung Quốc đã mở sẵn đường để kiểm soát các sản phẩm này. Điều này cũng cho thấy, công tác hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật của Trung Quốc đang trước và đi đầu thế giới. Trung Quốc đang trở thành thị trường dẫn dắt toàn cầu về xu thế mới trong đó có tiêu chuẩn chất lượng.
Thay đổi để thích nghi với yêu cầu của thị trường
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.
Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể, trong đó nhiều tỉnh, thành phố với dân số lớn đã có thể coi là một thị trường hấp dẫn.
Về những khó khăn của doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm, ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc - cho hay: Trung Quốc vẫn chưa mở cửa thị trường cho nhiều loại sản phẩm nông thủy sản cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc đưa ra các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói. Mặt khác, do ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19, Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện nhập cảnh… Nông sản, thực phẩm Việt Nam hiện vẫn khó khăn trong tiếp cận hệ thống phân phối, siêu thị lớn.
Cũng theo ông Nông Đức Lai, tình trạng vi phạm khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua chủ yếu do vi phạm các tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm như: phụ gia thực phẩm vượt quá tiêu chuẩn cho phép; kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn quy định; có vi sinh vật gây bệnh. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân vi phạm về quy trình thủ tục gồm: không đầy đủ chứng nhận theo yêu cầu nhập khẩu; sản phẩm không nằm trong danh mục nhập khẩu. Ngoài ra, còn có các vi phạm về tem nhãn, bao bì, thời hạn sử dụng…. “Đối với sản phẩm bánh pía, trong bối cảnh dịch Covid-19, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa tắc nghẽn tại cảng, trong khi thời hạn sử dụng bánh pía là 2 tháng, dẫn đến tình trạng khi lấy hàng hóa ra thì hàng hóa vi phạm thời hạn sử dụng”, ông Nông Đức Lai cho biết.
Do đó, ông Nông Đức Lai khuyến nghị, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, thay đổi để thích nghi cũng như đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Đừng để vi phạm hay tái phạm nhiều lần dẫn đến bị dừng tư cách xuất khẩu, bởi lẽ khi đã dừng rồi thì việc khôi phục lại tư cách xuất khẩu sẽ rất khó khăn.
Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Tô Ngọc Sơn, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các yêu cầu từ thị trường Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp vẫn coi đây là thị trường dễ tính, hàng gì cũng đi được thì không sớm thì muộn chúng ta sẽ dần dần mất thị trường này. “Thương hiệu nông sản của Việt Nam đang bị đe dọa bởi liên tục có những vụ vi phạm của hàng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp đã được cấp mã số đăng ký xuất khẩu cần hết sức lưu ý, bởi khi đã bị tạm dừng thì rất khó quay trở lại thị trường này”, ông Tô Ngọc Sơn lưu ý.
Thời hạn để doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, theo quy định mới là 5 năm. Trong khoảng từ 3-6 tháng trước khi giấy phép hết hạn, doanh nghiệp cần chủ động gia hạn đăng ký. Nếu bỏ qua bước này, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký lại từ đầu.
Nguồn: Báo Công Thương