Tổng số bài đăng 288.
Theo khảo sát Nghiên cứu tâm lý Người tiêu dùng ASEAN 2024, người tiêu dùng Việt Nam thể hiện mức độ lạc quan cao nhất về triển vọng kinh tế của đất nước so với người tiêu dùng trong khu vực.
Nghiên cứu tâm lý Người tiêu dùng ASEAN là khảo sát thường niên do Ngân hàng UOB thực hiện, đến nay là năm thứ 5, nhằm theo dõi, phân tích tâm lý người tiêu dùng về chi tiêu và tài chính tại các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Năm 2024, khảo sát được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 6/2024 trên 5.000 người, trong đó có 1.000 người Việt Nam.
Theo khảo sát, người tiêu dùng Việt Nam thể hiện mức độ lạc quan cao nhất về triển vọng kinh tế của đất nước so với người tiêu dùng trong khu vực, với hơn 70% số người tham gia khảo sát tin tưởng vào tình hình kinh tế của Việt Nam trong 6-12 tháng tới. Trong dự báo kinh tế mới nhất công bố vào tháng trước, UOB đã nâng mức tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam lên 6,4%, so với dự báo trước đó là 5,9%, sau khi GDP Việt Nam đạt tăng trưởng ấn tượng 7,4% trong quý 3.
Ngoài ra, 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã có chi tiêu ở nước ngoài trong khu vực ASEAN trong năm qua, chủ yếu dành cho công tác và du lịch - cao hơn mức trung bình khu vực 66% và vượt tỷ lệ ở các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực về thành công của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và mở rộng hội nhập khu vực.
Giảm bớt lo ngại về suy thoái và áp lực lạm phát tại Việt Nam
Nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2024, người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy tự tin hơn vào sự ổn định kinh tế ngắn hạn của đất nước, với tỷ lệ người lo lắng về suy thoái kinh tế trong 6-12 tháng tới giảm 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. 70% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước, cao hơn trung bình khu vực 18 điểm phần trăm.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng lạc quan nhất khu vực về tài chính cá nhân, với 90% kỳ vọng tình hình tài chính của họ sẽ ổn định hoặc cải thiện vào tháng 6 năm 2025, theo sau là Indonesia (89%) và Thái Lan (82%).
Mặc dù mối lo ngại suy thoái đã giảm so với năm ngoái, 77% người tiêu dùng Việt Nam vẫn lo về các vấn đề tài chính, bao gồm lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng, đặc biệt trong bối cảnh điều chỉnh tăng lương cơ sở và mức lương tối thiểu vào tháng 7 năm 2024.
Gia tăng chi tiêu cho trải nghiệm, du lịch, tiết kiệm và đầu tư
Trong năm qua, người tiêu dùng Việt Nam đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ba lĩnh vực chi tiêu hàng đầu bao gồm giáo dục cho con cái (42%), chăm sóc sức khỏe (33%) và dịch vụ tiện ích (33%).
Người tiêu dùng Việt Nam cũng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm như kỳ nghỉ, ăn uống cao cấp, hòa nhạc và lễ hội so với người tiêu dùng trong khu vực, với 42% người khảo sát cho biết đã tăng chi tiêu cho những hoạt động này, cao hơn mức trung bình ASEAN là 35%. Các nhóm tuổi trẻ, đặc biệt là Gen Z, có xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm cao hơn các nhóm khác, với 47% số người trẻ cho biết họ đã tăng chi tiêu cho các hoạt động này.
Về chi tiêu ở nước ngoài, hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam cho biết đã chi tiêu trong khu vực ASEAN trong năm qua, với Thái Lan và Singapore là các điểm đến phổ biến nhất.