Tổng số bài đăng 237.
Năm 2021, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực Công Thương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, sản phẩm, hàng hóa được phân công.
Cụ thể, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã rà soát lại toàn bộ kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã được Bộ KH&CN phê duyệt, đồng thời đề nghị Bộ KH&CN điều chỉnh kế hoạch xây dựng, thẩm định, công bố TCVN phù hợp với hiện trạng của từng nhóm TCVN.
Kết quả, trong năm 2021, vụ đã trình lãnh đạo Bộ và chuyển Bộ KH&CN hồ sơ thẩm định, công bố 21 TCVN (7 TCVN thuốc lá, 3 TCVN sản phẩm giấy và 11 TCVN tinh quặng); đề xuất bổ sung 7 TCVN về khí thiên nhiên hóa lỏng trong kế hoạch xây dựng TCVN năm 2021 - 2022, nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu của quản lý nhà nước trong quá trình chuẩn bị và đưa vào vận hành Kho cảng LNG Thị Vải.
Bên cạnh đó, thu thập thông tin, rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng và việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng trong ngành thép nhằm nghiên cứu, đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng trong ngành thép; rà soát hồ sơ và hướng dẫn các đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo TCVN để tổ chức thẩm tra theo quy định; phối hợp Vụ Dầu khí và Than làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), Cục Đăng kiểm Việt Nam để thống nhất nội dung xây dựng TCVN về kho nổi LNG.
Hoạt động xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường... Do đó, năm 2021, Vụ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai nhiều hoạt động. Tiêu biểu như: Thống nhất với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và Văn phòng Bộ về quy trình quản lý và cấp mã, số hiệu QCVN của Bộ Công Thương phù hợp với quy định mới tại Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN quy định về xây dựng, thẩm định và ban hành QCVN.
Năm 2021, Vụ KH&CN cũng được giao thực hiện một số nội dung nhằm triển khai các kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương, bao gồm: Nghiên cứu xây dựng 3 dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về logistics; khảo sát, đánh giá các TCVN, QCVN của Việt Nam đối với một số sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU (dệt may, da giày...) và đề xuất Kế hoạch xây dựng TCVN, QCVN giai đoạn 2021-2025.
Trong năm 2022, Vụ KH&CN sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát, đánh giá, bổ sung các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường; đề xuất các nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng và đề nghị công bố áp dụng các TCVN thuộc lĩnh vực năng lượng, luyện kim - khoáng sản theo kế hoạch năm 2022-2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1097/QĐ-BCT. Tiếp tục đề xuất và tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng trong ngành thép.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất Danh mục các nhóm sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất gửi Bộ KH&CN để hỗ trợ tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển, áp dụng thí điểm, phổ biến và nhân rộng các giải pháp công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương…
Ngành Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ hoàn thành việc xây dựng 70 QCVN và 17 TCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Nguồn: Báo Công thương