Tổng số bài đăng 237.
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư.
Làm rõ cơ chế ưu đãi đặc biệt
Một trong 6 nhóm chính sách của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đó là chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.
Cụ thể, trong tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày sáng ngày 3/6 cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (Luật chỉ nêu nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này hoặc giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể) (Điều 46).
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm (Điều 46).
Còn đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, Dự thảo Luật quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí. Cụ thể, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa quy định mức thuế suất này), thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% (nằm trong khung thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định) và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm (Điều 47).
Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, để tận thu tài nguyên và đóng góp vào ngân sách Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí (khoản 4 Điều 47).
Rà soát các tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi
Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí (Chương VI dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu, Ủy ban Kinh tế nhất trí quy định tại Dự thảo Luật về đối tượng ưu đãi phù hợp với thực tiễn thu hút đầu tư dầu khí trong tình hình mới như Tờ trình của Chính phủ đã nêu.
Chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.
Đồng thời, nhất trí với quy định tại Điều 62 dự thảo Luật về việc sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm hiệu lực thực thi ngay sau khi được ban hành của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt trong điều kiện các luật về thuế chưa được sửa đổi, bổ sung toàn diện.
Để củng cố cơ sở thực tiễn của việc áp dụng chính sách ưu đãi, ưu đãi đặc biệt như quy định của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung thuyết minh cụ thể hơn về mức đóng góp trở lại của các hoạt động này đối với ngân sách Nhà nước và hiệu quả của các mức ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư.
Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về giao Chính phủ quy định thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; thời hạn xác định nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm, thời hạn thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là điều kiện để áp dụng ưu đãi đặc biệt.
Rà soát các tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, bổ sung các tiêu chí định lượng; giải trình rõ hơn về việc ưu đãi đầu tư đối với những trường hợp “không đạt được hiệu quả đầu tư tối thiểu” quy định tại điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 46.
Bên cạnh đó, quy định rõ điểm e khoản 1 Điều 46 về “đối tượng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới mang tính định hướng” và tiêu chí xác định “lô dầu khí đặc biệt khác” để Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư đặc biệt quy định tại điểm e khoản 2 Điều 46 dự thảo Luật; xem xét cơ sở xác định tiêu chí về “không chọn được nhà thầu” tại điểm c khoản 2 Điều 46.
Mặt khác, cân nhắc quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ” chưa rõ nội hàm, chưa bảo đảm thống nhất về thẩm quyền. Nghiên cứu, bổ sung quy định về ưu đãi có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án; quy định về không áp dụng đối với các dự án đã được ký kết hợp đồng, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước thời điểm Luật này có hiệu lực.
Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định về các hình thức, cơ chế ưu đãi đầu tư khác ngoài ưu đãi về thuế và mức thu hồi chi phí để thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí; nhất là trong bối cảnh cạnh tranh về ưu đãi thuế đã và đang diễn ra trong khu vực ASEAN và thời gian tới, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu, khiến cho ưu đãi về thuế suất không còn là yếu tố hấp dẫn.
Nguồn: Báo Công Thương