Tổng số bài đăng 316.
Để giúp đồ gỗ Việt thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường Anh mà không phải gặp bất cứ rào cản nào khi hệ thống cấp phép FLEGT của Việt Nam bắt đầu đi vào vận hành, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa có Công văn số 03/HHG-VP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất đàm phán về Hiệp định Thương mại gỗ với Vương quốc Anh.
Tận dụng cơ hội từ UKVFTA
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh trong năm 2021 đạt 254,44 triệu USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Anh chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành và chiếm tới 43% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang cả khối EU (597,76 triệu USD).
Trong bối cảnh Covid-19 và khủng hoảng vỏ container kéo dài, cộng với cước phí vận chuyển đường biển tăng hơn 10 lần, tuy nhiên, trong năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Anh vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Anh, đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng xuất khẩu chính với kim ngạch chiếm 92,1% tổng kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới Anh.
Tiếp nối thành công trong năm 2021, tháng 1/2022 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Anh tiếp tục tăng mạnh, đạt 30,7 triệu USD, tăng 11,6% so với tháng 12/2021, tăng 47,7% so với tháng 1/2021. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Anh dần phục hồi sau tác động của đại dịch Covid -19.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đóng vai trò quan trọng, ngành gỗ cũng hưởng lợi khi nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%), giúp cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn tại thị trường Anh.
Hiệp định UKVFTA cũng sẽ giúp cân bằng lợi thế trong sân chơi thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Anh, đồng thời gia tăng tính minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng. Từ đây, thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn Anh quốc sẽ giúp hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ dễ dàng tiếp cận với nhiều thị trường khác. UKVFTA không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ. Đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam khai thác và mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm để tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng tại thị trường này.
Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Để khai thác hiệu quả lớn từ Hiệp định UKVFTA, các doanh nghiệp ngành gỗ cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Hiệp định Thương mại gỗ sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - đánh giá, ngoài các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Vương quốc Anh (sau khi tách ra khỏi Liên minh châu Âu) hiện trở thành một trong những thị trường quan trọng của ngành gỗ Việt Nam.
Để đẩy mạnh và mở rộng xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang các nước thuộc EU, năm 2018 Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) với EU, hiệp định có hiệu lực vào năm 2019. Trong thời gian tới, để hiện thực hóa hiệp định, các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ cấp giấy phép (FLEGT) đối với các lô hàng xuất khẩu sang EU. Giấy phép này sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam được phép tiêu thụ thuận lợi tại tất cả các thị trường trong khối này.
Kể từ tháng 1/2020, Vương quốc Anh đã chính thức tách khỏi khối EU. Điều này có nghĩa rằng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh trong tương lai cần phải tuân thủ với các quy định của Chính phủ Anh.
Về nguyên tắc, sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu đã đáp ứng được các yêu cầu của VPA thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ Anh. Tuy nhiên, theo thông tin của một số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, Chính phủ Anh sẽ không tự động chấp nhận giấy phép FLEGT mà doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng với các yêu cầu mới từ Chính phủ Anh.
Theo kinh nghiệm của Indonesia, quốc gia trước đó đã ký kết VPA với EU, nhưng sau đó đã ký với Vương quốc Anh Hiệp định UK-IndoVPA; hầu hết các nội dung cơ bản trong hiệp định này được dựa trên các nội dung của Hiệp định Indo - EU VPA được ký kết trước đó.
Để giúp đồ gỗ Việt thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường Anh mà không phải gặp bất cứ rào cản nào khi hệ thống cấp phép FLEGT của Việt Nam bắt đầu đi vào vận hành; tiếp theo đề xuất tại Văn bản số 74/HHG-VP ngày 30/9/2021 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mới đây (ngày 16/2) hiệp hội tiếp tục có Công văn số 03/HHG-VP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thảo luận với các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh về kế hoạch đàm phán để đi đến ký kết giữa 2 Chính phủ về một Hiệp định Thương mại gỗ giữa Việt Nam và Anh (Vietnam – UK VPA) hoặc công nhận nội dung Hiệp định FLEGT VPA mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với EU để được áp dụng tại thị trường Anh.
Hiện lượng hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm 1% so với tổng số hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác vào Anh. Chính vì vậy, Vương quốc Anh vẫn còn rất nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam; trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Cùng với việc các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ UKVFTA, thích ứng với các quy định của thị trường, việc tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại gỗ với Vương quốc Anh sẽ giúp ngành gỗ gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
Nguồn: Báo Công thương