Tổng số bài đăng 288.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất bỏ quy định lập riêng hóa đơn với hàng hóa được giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Ngày 28/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế gia trị gia tăng từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số hàng hóa, dịch vụ. Đây là chính sách hỗ trợ được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh giá các nguyên vật liệu đầu vào, hàng hoá tăng cao.
Tuy nhiên, dù là chính sách khá tốt nhưng quá trình đi vào cuộc sống đang gặp một số vướng mắc. Điển hình như tại một số cơ sở bán lẻ hay doanh nghiệp kinh doanh siêu thị có phản ánh về quy định tại khoản 4 Điều 1 về việc lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Theo quy định này, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trong trường hợp không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo cơ quan Thuế, thực tế, trên mẫu hóa đơn của doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế suất được thiết kế theo dạng cột nên cơ sở kinh doanh có thể lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ có nhiều thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, trong đó có hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế. Việc lập hóa đơn riêng là thuận lợi trong việc phân loại, quản lý những hóa đơn của những hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, tuy nhiên lại làm tăng thời gian của kế toán doanh nghiệp và chi phí sử dụng hóa đơn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày.
Với quy định này, đã có trường hợp doanh nghiệp thấy khó khăn khi tách hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế nên không lập hóa đơn riêng thì người tiêu dùng lại không được thụ hưởng lợi ích từ chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đơn cử như một cửa hàng tiện lợi tại quận Long Biên, Hà Nội, trung bình mỗi ngày cửa hàng này in trên dưới 100 hoá đơn bán hàng. Từ khi có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng, lượng hoá đơn in ra của cửa hàng này gần như gấp đôi. Điều này không chỉ gây mất thời gian khi phải tìm các mặt hàng có cùng mức thuế như nhau để gộp chung hoá đơn, mà còn gây lãng phí trong việc in ấn.
Hay có một doanh nghiệp làm ngành nghề kinh doanh chính là đại lý ô tô và xe có động cơ khác; bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác thì dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe, đầu vào các loại vật tư, phụ tùng mua vào chịu các mức thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau (5%, 8%, 10%). Doanh nghiệp này cũng rơi vào tình trạng lúng túng khi lập hoá đơn và tốn kém hơn về thời gian cũng như chi phí.
Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ cũng như cung cấp dịch vụ.
Trước những bất cập, mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2022/NĐ-CP theo hướng cơ sở kinh doanh bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì được ghi trên cùng hoá đơn và phải ghi rõ mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng được giảm của từng hàng hoá dịch vụ. Việc sửa đổi này đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan và nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thuế, đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế.
Theo Bộ Tài chính, do đây là giải pháp cấp bách cần sớm ban hành để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nguồn: Báo Hải Quan Online