Tổng số bài đăng 316.
Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2024, dự kiến sẽ kết thúc bỏ phiếu vào ngày 5 tháng 11. Thị trường thế giới dường như nín thở để dõi theo những thay đổi trong chính sách của Mỹ và những tác động của cuộc bầu cử đến nền thương mại và đầu tư toàn cầu.
Đông Nam Á được coi là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới và cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Hoa Kỳ. Với mối quan hệ thương mại sâu sắc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể và nhiều lợi ích an ninh chung, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ (dù dưới thời bà Kamala Harris hay sự trở lại của ông Donald Trump) cũng sẽ gây ra tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Đông Nam Á.
- Chính sách thương mại và thuế quan
Một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với các nền kinh tế Đông Nam Á là chính sách thương mại của Hoa Kỳ có thể thay đổi như thế nào sau cuộc bầu cử. Hiện nay rất nhiều quốc gia Đông Nam Á có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu tổng như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Vì vậy việc thay đổi trong chính sách thuế quan, điển hình như đã thấy trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ gây ra những rủi ro đáng kể cho các nền kinh tế phụ thuôc vào việc xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Chính quyền mới của Hoa Kỳ theo xu hướng bảo hộ hơn có thể dẫn đến mức thuế cao hơn đối với hàng hóa xuất khẩu từ Đông Nam Á, đặc biệt là trong các lĩnh vực như dệt may, điện tử và nông nghiệp (những ngành công nghiệp nhạy cảm với thay đổi về chi phí thương mại và thuế) và làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của hàng hóa Đông Nam Á trên thị trường Hoa Kỳ.
Mặt khác, chính quyền Hoa Kỳ mới ủng hộ việc tái tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương có thể mang lại động lực phát triển và hợp tác cho khu vực. Trong bối cảnh Hoa Kỳ tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các quốc gia Đông Nam Á sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường này hơn.
- Cạnh tranh Mỹ-Trung: Cân bằng chiến lược cho thị trường Đông Nam Á
Đối với Đông Nam Á, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai siêu cường mang đến cả cơ hội và rủi ro. Nhiều nước ASEAN có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng các mối quan hệ này.
Nếu chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc thì các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ phải chịu nhiều áp lực trong tương lai. Việc áp đặt lệnh trừng phạt hoặc hạn chế của Hoa Kỳ đối với các công ty Trung Quốc có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng khu vực mà trong đó các quốc gia Đông Nam Á là một mắt xích, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ như chất bán dẫn và điện tử.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng tạo ra cơ hội cho thị trường Đông Nam Á. Khi các công ty Hoa Kỳ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình và tránh lệ thuộc vào Trung Quốc, các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Philippines sẽ được hưởng lợi. Chiến lược “Trung Quốc + 1”, trong đó các công ty duy trì cơ sở tại Trung Quốc đồng thời thiết lập hoạt động thêm tại các quốc gia lân cận đặc biệt là khu vực Đông Nam Á với nguồn nhân lực dồi dào sẽ là một cơ hội phát triển tốt cho các quốc gia tại khu vực này.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Sự thay đổi trong chính quyền Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn FDI vào khu vực thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư hoặc ngăn cản đầu tư thông qua các chính sách bảo hộ.
Các quốc gia có thế mạnh về công nghệ và tự định vị mình là trung tâm đổi mới như Singapore và Malaysia có thể chứng kiến dòng vốn đầu tư đổ vào tăng vọt đối với các lĩnh vực như công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Tương tự như vậy, các quốc gia như Indonesia và Việt Nam với nền dân số lớn và thị trường tiêu dùng đang trên đà tăng trưởng có thể thu hút them nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng và dịch vụ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, nếu chính quyền mới của Hoa Kỳ có xu hướng chủ nghĩa dân tộc, hướng vào trong, thì Hoa Kỳ sẽ tìm cách khuyến khích các công ty đưa nguồn đầu tư sản xuất trở lại đất Mỹ. Nếu như thế nguồn vốn FDI vào Đông Nam Á có thể sẽ bị suy giảm.
- Tái cấu trúc chuỗi cung ứng và cơ hội khu vực
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đã tạo động lực cho Hoa Kỳ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong sản xuất. Đông Nam Á được coi là một trong những bên hưởng lợi chính từ sự tái sắp xếp này.
Nếu cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2024 kết thúc bằng một chính quyền tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Đông Nam Á sẽ có vị thế tốt để thu hút nhiều đầu tư hơn vào sản xuất. Các ngành như điện tử, ô tô và dệt may có thể chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể khi các công ty Hoa Kỳ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và thiết lập các cơ sở sản xuất tại các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn.
Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á vẫn có khả năng phải đối mặt với một số thách thức nhất định như sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới logistics và vận tải sẽ khiến khu vực này khó có thể tận dụng tối đa những cơ hội mang lại từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ.
(Nguồn: Tổng hợp từ ASEAN Briefing)