Tổng số bài đăng 243.
TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ về giải pháp xây dựng thương hiệu hàng Việt khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP.
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về khả năng tận dụng Hiệp định CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam sau hơn 4 năm Hiệp định có hiệu lực?
Khi Hiệp định CPTPP được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt hiệp định này, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu vào các nước nằm trong Hiệp định có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Có những thị trường có sự tăng trưởng lên đến hàng trăm %, đặc biệt là những thị trường chưa khai thác trước đây và những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thuỷ sản, điện tử…
TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng về phương thức sản xuất kinh doanh để đáp ứng được các yêu cầu về thương mại bền vững, phát triển bền vững trong yêu cầu của CPTPP.
Bởi CPTPP giống như nhiều FTA thế hệ 2 ta đã ký kết, đều đòi hỏi yêu cầu về phát triển bền vững đối với vấn đề môi trường, điều kiện lao động, an sinh xã hội và một loạt yêu cầu khác. Các yêu cầu này đòi hỏi doanh nghiệp chuyển mình và thay đổi cách thức quản trị để đáp ứng được yêu cầu. Điều này về lâu dài cũng sẽ có tác động tốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của thị trường CPTPP mà cả các thị trường khó tính khác như EU, Nhật Bản, ASEAN, Đông Bắc Á.
Có ý kiến cho rằng dù đã xuất khẩu nhiều nhưng việc xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường CPTPP chưa đạt như kỳ vọng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc xây dựng thương hiệu luôn là vấn đề với doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến việc xuất khẩu được bao nhiêu và kim ngạch xuất khẩu như thế nào. Công tác sản xuất, chế biến mới chỉ tập trung vào xuất sản phẩm hoặc nguyên liệu thô, sau đó sản phẩm được đóng gói và xuất khẩu dưới tên của một thương hiệu khác. Điều này dẫn đến phần lớn giá trị gia tăng của mà sản phẩm giữ lại tương đối thấp. Thực tế này đặt ra bài toán phải xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, cho các sản phẩm hàng hoá được cung ứng từ thị trường chúng ta.
Xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự nỗ lực của chúng ta ở không chỉ một doanh nghiệp duy nhất mà của cả chuỗi giá trị, cả hệ sinh thái mà doanh nghiệp đó làm công tác điều phối. Ví dụ để xuất khẩu 1 mặt hàng thì đằng sau đó là nhiều tác nhân khác trong một chuỗi giá trị, từ những người sản xuất chế biến ra sản phẩm ban đầu, quá trình sơ chế và chế biến sâu hơn. Như vậy điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất khác nhau của nhiều tác nhân trong 1 chuỗi giá trị. Nếu ta thành công trong xây dựng thương hiệu, giá trị hàng hoá sẽ có thể tăng gấp đôi, gấp 3.
Ví dụ như với mặt hàng gạo, khi xuất khẩu dưới thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ giúp nâng giá trị lên rất lớn. Tôi được biết hiện nay gạo của Lộc Trời đã xuất khẩu được với giá lên đến 4.500 Euro/tấn, cao hơn hàng chục lần so với gạo xuất không có thương hiệu. Cho nên nếu chúng ta chú trọng xây dựng thương hiệu thì sẽ tạo ra những giá trị rất lớn cho chính các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu và chính nền kinh tế của chúng ta.
Xây dựng thương hiệu là một hành trình dài, đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực rất lớn. Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu nói chung và thương hiệu tại thị trường CPTPP nói riêng?
Tôi cho là việc xây dựng thương hiệu phải là một trong những ưu tiên song song với việc gia tăng số lượng giá trị hàng hoá dự kiến xuất khẩu vào một thị trường. Những chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu phải đi cùng với những chỉ tiêu khác như hàm lượng giá trị gia tăng giữ lại nền kinh tế là bao nhiêu, hàng hoá xuất khẩu tạo ra bao nhiêu giá trị cho nền kinh tế của chúng ta khi xuất khẩu sang 1 thị trường nhất định.
Thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang CPTPP
Với thị trường CPTPP, điều đó không chỉ đo được bằng việc tăng xuất khẩu vào 1 thị trường trong khối CPTPP mà nó cần đo lường bằng những giá trị khác như giá trị gia tăng hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường CPTPP la bao nhiêu. Sử dụng những con số đó để quay trở lại đầu tư và hoàn thành những mục tiêu khác như giá trị xây dựng thương hiệu. Từ những quan điểm như vậy thì ta sẽ có cách thức hỗ trợ cho DN để xây dựng thương hiệu và tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất trong chuỗi giá trị này.
Xin cảm ơn ông!