Tổng số bài đăng 286.
Nhằm kịp thời cung cấp thông tin về cam kết SPS trong Hiệp định EVFTA, RCEP yêu cầu của thị trường Trung Quốc và EU đối với nông sản Việt Nam.
Ngày 10/6, tại TP. Long Xuyên (An Giang) diễn ra hội nghị phổ biến các cam kết về SPS theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA và RCEP). Hội nghị thu hút các nhà khoa học, ngành chức năng, doanh nghiệp và HTX ở các tỉnh thành ĐBSCL đến tham dự.
SPS biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm
Theo Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT), Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn bệnh dịch động, thực vật (SPS viết tắt của Sanitary and PhytoSanitary) được áp dụng biện pháp SPS để bảo vệ sức khỏe con người, động vật và thực vật khỏi các mối nguy mất an toàn thực phẩm, dịch bệnh lây lan qua đường thương mại quốc tế. Biện pháp SPS dựa trên cơ sở khoa học (đánh giá rủi ro) hoặc tiêu chuẩn quốc tế (CODEX, OIE và IPPC) minh bạch và không phân biệt đối xử.
Cấu trúc Hiệp định SPS, bao gồm 14 điều và 3 phụ lục nói về quy định nguyên tắc xác định các chỉ tiêu, yêu cầu và biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm và an toàn bệnh, dịch động, thực vật và sản phẩm từ động, thực vật trong thương mại quốc tế. Mạng lưới phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam bao gồm: Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản, Vụ khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)…
Đây được xem là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS. SPS cũng trở thành đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Theo đại diện Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đưa ra nhiều thực trạng tại Hội nghị về các giải pháp xử lý các vướng mắc kỹ thuật trong xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc. Năm 2021 tỷ lệ lô hàng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc bị cảnh báo chiếm 0,52%, tăng so với năm 2020 là 0,46%.
Số lô bị cảnh báo các chỉ tiêu vi sinh vật gây bệnh, tồn dư hóa chất kháng sinh thấp. Các chỉ tiêu bị cảnh báo chủ yếu như: phụ gia (Phosphate), bệnh thủy sản (IHHNV, WSSV). Bên cạnh đó có 5 lô hàng bị cảnh báo phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bề mặt ngoài bao bì sản phẩm thủy sản. Còn 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 5 lô hàng thủy sản xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo an toàn thực phẩm, 130 virus SARS-CoV-2 trên bề mặt ngoài, bề mặt trong bao bì sản phẩm, thành trong container và trong sản phẩm. Phía Trung Quốc đã tạm dừng thủ tục nhập khẩu của các doanh nghiệp bị cảnh báo từ 1–9 tuần, đồng thời đã tiến hành kiểm tra trực tuyến đối với 26 doanh nghiệp (dự kiến trong tháng 6/2022 sẽ tiếp tục kiểm tra trực tuyến 9 doanh nghiệp).
Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc nhận thức mức độ quan trọng của công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và phòng chống Covid-19 trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Cập nhật và nghiêm túc tuân thủ các quy định của Việt Nam và Trung Quốc về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có biện pháp kiểm soát chặt các chỉ tiêu mà Trung Quốc đang tập trung kiểm tra, phát hiện vi phạm trong thời gian vừa qua: sử dụng phụ gia (Phosphates), bệnh thủy sản (IHHNV, WSSV).
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Hướng dẫn của FAO, WHO và Trung Quốc, đặc biệt tập trung kiểm soát: Người, phương tiện, vật tư ra vào nhà máy; quá trình sản xuất, bao gói, bốc xếp thành phẩm ra/vào kho, lên xuống container: yêu cầu người tham gia các công đoạn này phải tuyệt đối mang khẩu trang 100% thời gian làm việc, thường xuyên khử trùng tay và định kỳ được xét nghiệm sàng lọc. Các biện pháp vệ sinh, làm sạch và khử trùng đối với bao bì sản phẩm trước, trong và sau khi sử dụng…
WTO công bố khoảng 1.000 quy định về nhập khẩu nông sản Việt Nam
Ths Trần Thùy Dung (Cục Bảo vệ thực vật), cho rằng từ 1/1/2022, Trung Quốc đã áp dụng hệ thống khung pháp lý với quy định kiểm nghiêm ngặt gồm: Biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) và Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Lệnh 248). Trung Quốc không có chính sách MRL mặc định. Trung Quốc duy trì danh sách MRL quốc gia và không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Tiêu chuẩn MRL của Trung Quốc được cập nhật hai năm một lần và các thay đổi chủ yếu bao gồm việc bổ sung các MRL mới. Các đề xuất MRL được thông báo cho WTO trong suốt cả năm, nhưng có thể mất một đến hai năm để các điều khoản dự thảo được thông qua.
Ths Trần Thùy Dung khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất nông sản trong nước cần phải cập nhật kiến thức về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nắm bắt và tận dụng được các lợi thế về mặt phi thuế quan, đặc biệt là hiểu biết về các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm kiểm dịch động thực vật (SPS). Đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tập trung vào chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra của các tổ chức quốc tế liên quan như: mã số vùng trồng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bao bì, nhãn mác, công nghệ xử lý, chế biến nông sản và quy trình kiểm dịch.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn Phòng SPS Việt Nam cho biết: Việc thực thi cam kết về SPS trong EVFTA với đại diện cho 27 nước thành viên (Ủy Ban Châu Âu) yêu cầu chung về nhập khẩu nông sản của một bên sẽ áp dụng cho toàn lãnh thổ. Mỗi bên sẽ chỉ áp dụng các biện pháp SPS được chứng minh đảm bảo khoa học, phù hợp với rủi ro có liên quan. Đối với phía nhập khẩu sẽ đảm bảo các yêu cầu nhập khẩu công bằng, không phân biệt đối xử, đảm bảo minh bạch. Các thủ tục nhập khẩu phải đảm bảo mục tiêu giảm thiểu tiêu cực tới thương mại, bên xuất khẩu phải tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu của bên nhập khẩu.
Còn cam kết SPS trong RCEP bao gồm các nước Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia…chính vì vậy các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính bị kiểm tra gắt gao thường bị trả về với lý do chưa đảm bảo về an toàn thực phẩm. Hàng năm các nước thành viên WTO công bố khoảng 1.000 quy định, thay đổi về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nếu doanh nghiệp, tổ chức sản xuất không cập nhật kịp thời thông tin về yêu cầu của thị trường nhập khẩu sẽ rất dễ dẫn đến các vấn đề vi phạm.
Thống kê từ Văn phòng SPS Việt Nam thông tin thêm, qua tổng hợp thông báo của EU đối với hàng nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 theo nhóm vi phạm có tổng số 40 thông báo, trong đó đối với sản phẩm thủy sản là 18; sản phẩm nông sản và thực phẩm là 22.
Từ số liệu cho thấy, trong số 40 thông báo về vi phạm mức dư lượng hóa chất nhiều nhất có tới 19 thông báo chiếm 47,5%. Tiếp đến là các vi phạm khác (vi phạm chiếu xạ trái phép, phụ gia thực phẩm…) có 8 thông báo chiếm 20%; thông báo ô nhiễm sinh vật là 7 chiếm 17,5%; dư lượng kháng sinh là 5 thông báo chiếm 12,5%.
Nguồn: Báo Nông nghiệp