Tổng số bài đăng 316.
Bộ NN&PTNT vừa nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng Mỹ về việc hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi từ Việt Nam.
Sẵn sàng đưa quả bưởi xuất khẩu sang Mỹ
Bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Trong buổi làm việc mới đây tại Mỹ giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo việc mở cửa cho quả bưởi của Việt Nam đang được thúc đẩy tích cực. Phía Mỹ đang lấy ý kiến công chúng và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
Trong nước, nhiều địa phương trọng điểm trồng bưởi da xanh của ĐBSCL hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu chuẩn cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả doanh nghiệp lẫn nhà vườn đều sẵn sàng để đưa loại nông sản này sang Mỹ. Tại Bến Tre - địa phương có diện tích canh tác bưởi da xanh đến 8.000 ha, cũng như nhiều loại trái cây khác, có thời điểm giá bưởi da xanh liên tục sụt giảm, chỉ còn 15.000 đồng/kg.
Ông Liêm (xã An Khánh, Châu Thành, Bến Tre) cho biết, nhờ đạt chứng nhận GlobalGap nên chuyện tiêu thụ dễ dàng hơn. "Đợt bán lẻ đó cũng giúp cho những nhà vườn GlobalGap ổn định thị trường, bán cũng hơi có lời", ông Liêm cho hay.
Tiếng lành đồn xa về quy trình canh tác chuẩn, đã có doanh nghiệp tìm về Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre để đặt vấn đề liên kết vùng nguyên liệu, chuẩn bị đưa trái bưởi đi Mỹ. Với những khu vườn đã được chứng nhận VietGap, GlobalGap thì các tiêu chuẩn bổ sung được tiếp nhận nhanh chóng. "Họ không chuộng những quả lớn, mà dao động từ 1 - 1,4 kg/quả là đẹp nhất, nên khi để quả mình để nhiều hơn", chị Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ.
Nếu như doanh nghiệp chủ động về vùng nguyên liệu, đối tác tiêu thụ thì hợp tác xã phụ trách chất lượng và truy xuất sản phẩm. Ở Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre, hơn 100 ha đã sẵn sàng, với sản lượng lên đến 65 tấn mỗi tháng.
Chị Ngô Tường Vy cho hay: "Thị trường Mỹ có thể nhập bưởi không phải chỉ bưởi da xanh, mà kể cả bưởi 5 roi quanh năm. Đó cũng là câu chuyện mà chúng ta xây dựng chuỗi liên kết, làm sao đủ chất lượng, sản lượng cung cấp vào thị trường lớn nhất thế giới".
Chỉ riêng 6 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã mang về kim ngạch khoảng 20 triệu USD mỗi năm. Với bưởi da xanh - loại trái cây có thời gian bảo quản dài ngày hứa hẹn sẽ là điểm sáng trong thời gian tới. Khi đó, những chuỗi liên kết tiêu thụ sẽ còn được kéo dài, không chỉ riêng ở Bến Tre.
6 loại trái cây đang xuất khẩu vào Mỹ
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới hơn 330 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4,9 tỷ USD, chiếm 27,3%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ. Đến nay, 6 loại trái cây tươi đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Thanh Long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2008. Kể từ đó đến nay, lượng thanh long xuất khẩu vào Mỹ tăng theo từng năm. Chôm chôm là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2011.
Năm 2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức cấp phép cho quả nhãn và vải của Việt Nam vào thị trường này. Bên cạnh nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Sông Mã (Sơn La), nhãn Miền Thiết cũng được xuất sang Mỹ. Loại trái cây thứ 5 của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vào Mỹ là vú sữa. Lô vú sữa xuất khẩu đầu tiên vào tháng 12/2017, sau 10 năm đàm phán. Việt Nam cũng là nước đầu tiên được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ. Gần đây nhất, tháng 2/2019, quả xoài đã chính thức trở thành loại trái cây thứ 6 có mặt tại thị trường này.
Yêu cầu của trái cây khi vào Mỹ
Không thể phủ nhận tiềm năng của thị trường Mỹ với trái cây Việt. Mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, nhưng năm 2020, Mỹ vẫn nhập khẩu hơn 14 tỷ USD trái cây, tăng so với năm trước đó. Mỹ cũng là một trong những thị trường khắt khe nhất về nông sản nhập khẩu. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của phía bạn cũng rất rõ ràng, điều còn lại là các doanh nghiệp, nông dân cần liên kết để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía thị trường này.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; Nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; Sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây với mỗi năm lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) là phải nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam./.
Nguồn: Báo Điện tử VOV