Underline menu menu close

Bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành mật ong

02:29 - 06/04/2022

Dự kiến trong tháng 4/2022, Hoa Kỳ sẽ có kết luận chính thức về vụ việc điều tra chống bán phá giá mật ong Việt Nam. Từ nay đến khi có kết luận cuối cùng, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành mật ong Việt Nam. Đây là chia sẻ của ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương - trong cuộc trao đổi với báo chí.

Xin ông cho biết, tiến trình điều tra chống bán phá giá mật ong Việt Nam của Hoa Kỳ diễn ra như thế nào?

Mật ong là mặt hàng nông sản quan trọng của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta có khoảng 1,7 triệu đàn ong, 3,5 vạn người nuôi ong chuyên nghiệp và trên 30 doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ. Trên cơ sở tình hình xuất khẩu (XK), diễn biến chính sách của các nước nhập khẩu (NK), trong đó có Hoa Kỳ, ngay từ năm 2020, Bộ Công Thương đã cảnh báo sớm khả năng Hoa Kỳ có thể khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam. Chúng tôi cũng đã gửi cảnh báo sớm này cho các địa phương, Hội Nuôi ong Việt Nam, các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị và có phương án ứng phó.

Tháng 5/2021, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá mật ong Việt Nam và một số nước khác. Ngay trước, trong và sau quá trình Hoa Kỳ khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nuôi ong Việt Nam, các DN XK… để thảo luận, cung cấp thông tin đầy đủ về quy định PVTM của Hoa Kỳ; xây dựng phương án ứng phó, thuê luật sư để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN XK Việt Nam... Sau quá trình điều tra, tháng 11/2021, Hoa Kỳ đã ra kết luận sơ bộ mật ong Việt Nam phá giá trên 400%. Hiện, Hoa Kỳ đang tiếp tục điều tra, thẩm tra lại, xác minh số liệu cũng như lấy ý kiến của các bên liên quan. Dự kiến, đến ngày 8/4/2022, Hoa Kỳ sẽ ra kết luận chính thức về vụ việc.

Việt Nam đã có những hành động cụ thể gì đối với điều tra chống bán phá giá mật ong của Hoa Kỳ?

Về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý, chúng ta đã chuẩn bị thông tin về giá mua mật ong của DN Việt Nam, khẳng định các DN không bán phá giá khi XK mật ong sang Hoa Kỳ. Đồng thời, đề nghị phía Hoa Kỳ tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, quy định của WTO khi điều tra chống bán phá giá đối với mật ong. Đặc biệt, ở các cấp khác nhau, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã trao đổi với Hoa Kỳ quan điểm của Việt Nam đối với vụ việc. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã hai lần gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ nêu rõ, việc mật ong Việt Nam không phá giá. Trong các trao đổi các cấp khác nhau giữa hai bên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu rõ vấn đề này với phía Hoa Kỳ và chúng ta cũng đề nghị Hoa Kỳ đảm bảo nguyên tắc so sánh công bằng, tuân thủ đúng quy định của WTO khi thực hiện, tính toán biên độ bán phá giá đối với mật ong Việt Nam.

Từ nay đến khi Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Nuôi ong Việt Nam, các DN XK cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ số liệu, thông tin của ngành nuôi ong Việt Nam, đồng thời làm rõ quan điểm của Việt Nam về vụ việc này, bảo vệ lợi ích chính đáng của DN, người nuôi ong. Trên cơ sở kết luận cuối cùng của Hoa Kỳ, chúng ta sẽ xem xét các phương án để triển khai bước tiếp theo. Nếu như Hoa Kỳ tiếp tục có mức thuế cao đối với mật ong Việt Nam, chúng ta sẽ xem xét quá trình điều tra, kết luận của Hoa Kỳ có phù hợp với các quy định của WTO hay không để đề nghị Hoa Kỳ rà soát theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ và xem xét các quy định, các bước điều tra của Hoa Kỳ có phù hợp với WTO hay không, đưa ra WTO thảo luận.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ Hội Nuôi ong Việt Nam, các DN XK đa dạng hóa thị trường, bởi hiện nay, 80% mật ong của chúng ta XK sang Hoa Kỳ. Tiếp theo, hỗ trợ Hội Nuôi ong Việt Nam, DN XK tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA)… Nếu ngành mật ong tận dụng được cơ hội này, có khả năng đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy XK. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương thúc đẩy tiêu thụ mật ong tại thị trường nội địa nhằm khai thác tiềm năng thị trường rất lớn đối với sản phẩm này.

Từ vụ việc mật ong bị điều tra chống bán phá giá, ông có thể cho biết một số bài học đối với các ngành nông sản khác, nhằm tránh các thiệt hại trước biện pháp PVTM của thị trường nước ngoài?

Trước hết, không chỉ ngành mật ong mà các ngành nông sản khác cần đảm bảo để khai thác tốt các thị trường có tiềm năng cũng như giảm thiểu tác động của các vụ việc về PVTM, đó là phải triển khai hệ thống quản lý bài bản về truy xuất nguồn gốc, chế biến, chất lượng sản phẩm; có đầy đủ hồ sơ, chứng từ kế toán, chi phí để cung cấp cho các nước khi họ yêu cầu. Thực tế, rất nhiều DN XK đã và đang dần điều chỉnh và có thể đạt được tiêu chuẩn, yêu cầu của các thị trường khó tính. Một số ngành hàng, nhất là nông sản, ban đầu có thể gặp khó khăn khi bị điều tra PVTM, nhưng trong quá trình trao đổi, ứng phó, đã có kinh nghiệm vượt qua các rào cản, tiếp tục duy trì kim ngạch XK, phát triển thị trường, điển hình như tôm, cá tra, basa. Thứ hai, đó là đa dạng hóa thị trường, vì các mặt hàng nông sản luôn phải chịu các rào cản, quy định rất khắt khe của thị trường NK. Nếu không có sự chuẩn bị, phân tán rủi ro, sẽ gặp khó khăn khi thị trường áp dụng biện pháp PVTM.

Bên cạnh hai bài học này, cơ quan nhà nước cần tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ngành nông sản, như đàm phán, trao đổi công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn; đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm quy định PVTM, nguy cơ thị trường điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa XK để DN, ngành hàng có sự chuẩn bị trước và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các vụ việc.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương