Underline menu menu close

EU và ASEAN Tăng Cường Quan Hệ Hợp Tác Kinh Tế

08:09 - 23/12/2024

Liên minh Châu Âu (EU) từ lâu đã là một trong những đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN, với mối quan hệ chính thức được thiết lập từ năm 1977. Qua nhiều thập kỷ, hai khối kinh tế đã xây dựng mối quan hệ đối tác bền chặt, nổi bật với thương mại phát triển mạnh mẽ, đầu tư ngoại khối, quá trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhu cầu thị trường song phương cao. Khi các mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển, hai bên đang nỗ lực tăng cường kết nối để khai thác tối đa tiềm năng hợp tác.

Picture1-11

Mối Quan Hệ Thương Mại Lâu Dài

EU luôn nằm trong top ba đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu. Năm 2021, kim ngạch hai chiều của khu vực đạt 268,9 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2020 và tăng 16,7% so với năm 2017; chiếm khoảng 10,23% trong tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Từ năm 2010 đến 2019, xuất khẩu từ EU sang ASEAN tăng 57%, đạt 85 tỷ euro.

Trao đổi thương mại giữa ASEAN và EU đã có nhiều biến động rõ rệt trong giai đoạn 2017 – 2021, điển hình là sự chững lại trong năm 2019 và năm 2020 (do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp). Năm 2021, trao đổi thương mại giữa hai Bên hồi phục tích cực, với kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang EU đạt 152,2 tỷ USD, tăng 16,81% so với năm 2020 và tăng khoảng 10% so với năm 2017; kim ngạch nhập khẩu của ASEAN từ EU đạt 116,7 tỷ USD năm 2021, tăng gần 21% so với năm 2020 và tăng 27,04% so với năm 2017, theo ASEANstats.

Sức hấp dẫn của ASEAN nằm ở các nền kinh tế năng động, phát triển nhanh, được hỗ trợ bởi dân số trẻ, am hiểu công nghệ với quy mô gần 700 triệu người. Đối với các doanh nghiệp châu Âu, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), khu vực này mang lại những cơ hội lớn cho tăng trưởng và đầu tư.

Trong khi đó, EU chủ trương thúc đẩy các giá trị cốt lõi, các lĩnh vực thế mạnh của EU như thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… phù hợp với nhu cầu hợp tác của các nước trong khu vực ASEAN nói chung và mỗi nước ASEAN nói riêng.

Tăng Cường Kết Nối Kinh Tế

Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện ASEAN-EU (AE CATA), được ký kết vào tháng 6 năm 2021, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc kết nối. Là hiệp định vận tải hàng không đầu tiên giữa hai khối, AE CATA cho phép các dịch vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa không giới hạn giữa hai khu vực, thúc đẩy thương mại, du lịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Song song đó, EU đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số quốc gia ASEAN, như Hiệp định Thương mại Tự do EU-Singapore (EUSFTA) có hiệu lực từ tháng 11 năm 2019 và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020. EUSFTA và EVFTA mang lại cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường Singapore và Việt Nam, thúc đẩy thương mại hai chiều với các nước ASEAN này. EU cũng đang tiếp tục đàm phán FTA song phương với Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan.

Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang đến một con đường chiến lược cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường ASEAN. Bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất trong các quốc gia thành viên RCEP, các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ việc giảm thuế, hài hòa hóa quy tắc xuất xứ và quyền tiếp cận ưu đãi.

Picture2-5

Mở Rộng Các Lĩnh Vực Hợp Tác

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là các lĩnh vực EU đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Các nỗ lực của ASEAN trong các nội dung này như đàm phán Hiệp định Khung về Kinh tế số (DEFA) hay việc triển khai Khung Kinh tế Tuần hoàn ASEAN được EU quan tâm và hỗ trợ.

Quá trình chuyển đổi xanh của ASEAN, được ước tính mang lại cơ hội kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác EU-ASEAN. Với kinh nghiệm đáng kể trong việc phát triển các giải pháp đô thị thông minh, EU có thể hỗ trợ Sáng kiến Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN, dự kiến tạo ra 400 tỷ USD mỗi năm trong tổng số 1 nghìn tỷ USD cơ hội kinh tế xanh.

Trong hợp tác kinh tế, EU đã hỗ trợ ASEAN thông qua 02 chương trình chủ đạo là (i) Chương trình ASEAN – EU về Hỗ trợ Hội nhập khu vực và dự án Hỗ trợ hội nhập liên quan đến Thương mại (ARISE+); và (ii) Công cụ đối thoại khu vực EU- ASEAN tăng cường (E-READI). Các chương trình này nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế toàn diện và hội nhập kinh tế cho khu vực ASEAN; tạo thuận lợi cho đối thoại chính sách về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội; hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN; tăng cường năng lực đa lĩnh vực cho các nước thành viên ASEAN và Ban thư ký ASEAN,v.v..

Hiện nay, một số sáng kiến nổi bật giữa ASEAN và EU đang được thực hiện thông qua 03 chương trình chính thức sau: Sáng kiến xanh ASEAN-EU (Green Initiative), Gói kết nối bền vững EU-ASEAN (SCOPE), và Công cụ Đối thoại khu vực ASEAN-EU (E-READI).

Thông qua việc thúc đẩy kết nối và hợp tác, EU và ASEAN hướng đến việc duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo thịnh vượng chung trong một thế giới ngày càng kết nối.

Tổng số bài đăng 330.

Tiêu đề Ngày
Hợp tác kinh tế ASEAN – Liên bang Nga: duy trì liên kết thương mại trong bối cảnh khó khăn 20-12-2024
Phiên họp Ủy ban tham vấn chung về tạo thuận lợi thương mại lần thứ 31 (ATF-JCC 31) sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21 tháng 02 năm 2025 tại Kuala Lumpur, Malaysia 20-12-2024
Hội nghị Quan chức Kinh tế Cao cấp ASEAN hẹp (SEOM Retreat) 2025 20-12-2024
Thế giới đa cực là một trong những xu hướng lớn ASEAN cần tham khảo để hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2025 tầm nhìn năm 2045 20-12-2024
Tiềm năng ngành bán dẫn và vị trí của ASEAN 20-12-2024
Đắk Lắk nâng tầm Nông nghiệp: Xuất khẩu vượt kỳ vọng và cơ hội từ Hiệp định RCEP 20-12-2024
Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nhận định về mức độ hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu của ASEAN và Ấn Độ 20-12-2024
Canada thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại – năng lượng với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và ASEAN 20-12-2024
Tình hình cập nhật chuẩn bị cho Vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia trong trụ cột kinh tế tháng 12 năm 2024 20-12-2024
Hội thảo “Đề xuất hoạt động Hợp tác kinh tế và Hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ Hiệp định AANZFTA và Hiệp định RCEP" 19-12-2024