Underline menu menu close

Xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc: Vì sao doanh nghiệp vẫn loay hoay?

02:24 - 12/04/2022

Sau hơn 5 tháng triển khai đăng ký xuất khẩu trực tuyến theo Lệnh số 248 về "Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, đến nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn đang loay hoay trong việc đáp ứng các quy định.

Vướng mắc phần mềm khai báo

Chia sẻ về những khó khăn trong việc đăng ký xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, tại hội nghị “Xử lý các vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc” diễn ra mới đây, đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF (có trụ sở tại Cần Thơ) cho biết, hiện doanh nghiệp đã được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến từ phía cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đăng nhập vào hệ thống để khai báo thì được thông báo tên đăng nhập và mật khẩu không chính xác. Mặc dù doanh nghiệp đã kiểm tra và cũng đã đăng nhập lại nhiều lần nhưng vẫn không thể vào tài khoản.

Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Hải Việt (có trụ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, mặc dù đã đăng ký lại từ năm 2021 và có tên trong danh sách 779 doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất hàng vào nước này. Tuy nhiên, tháng 2/2022, công ty có 2 lô hàng xuất đi Trung Quốc nhưng bị vướng thủ tục khai báo hải quan và đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết xong.

Theo doanh nghiệp này, trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính yêu cầu khai báo, đăng ký thông tin lại khó vô cùng, doanh nghiệp đã làm đi làm lại nhiều lần mà vẫn bị lỗi mà không hiểu lỗi ở đâu. Việc này đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Chúng tôi đã đăng ký lại từ ngày 21/2, như vậy, đến thời điểm này đã một tháng rưỡi vẫn không được, mặc dù chúng tôi có nhận được sự hỗ trợ từ Nafiqad. Thời gian thì cứ kéo dài, chúng tôi vô cùng lúng túng và không biết phải xử lý như thế nào. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Nafiqad có nhóm chuyên viên hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp này. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần hợp tác tích cực hơn với phía Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị vướng đó là khai báo mã HS (mã hải quan, xuất nhập cảnh), doanh nghiệp cho biết họ rất lúng túng, không đăng ký được và không thể đăng ký đúng. Bởi khi doanh nghiệp gõ 1 mã HS với dãy số code (mã số) 8 hoặc 10 số, tuy nhiên, sau đó, sẽ hiển thị ra một loạt các mã CIQ (mã số liên quan đến các sản phẩm kiểm dịch, quy trình, thành phần của doanh nghiệp) khác nhau và doanh nghiệp không biết sẽ phải lựa chọn mã số nào.

Không chỉ trong lĩnh vực thủy sản, trong lĩnh vực nông sản, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng đang loay hoay trong việc đáp ứng các quy định mới. Theo phản ánh của doanh nghiệp, dù đã được cấp mã số HS, nhưng trong quá trình đăng ký, doanh nghiệp đăng ký sai mã số thuế nên không xuất khẩu được hàng. Hay việc khai thiếu thông tin về hệ thống quản lý chất lượng mà doanh nghiệp đang áp dụng khiến hồ sơ bị trả lại.

Về vấn đề mã HS, theo Nafiqad, trong khi mã HS của Việt Nam có 10 số thì mã HS của Trung Quốc đến 13 số (trong đó có 3 số là mã CIQ). Vừa rồi có nhiều đơn vị đã được cấp mã HS nhưng nhập sai mã CIQ thì cũng không thông quan được. Bởi khi sai CIQ thì phía cơ quan Hải quan Trung Quốc sẽ hiểu sang một sản phẩm khác.

Theo ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Nafiqad, cơ quan chức năng Việt Nam đã nhiều lần làm việc với phía Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp về mã HS. Tuy nhiên, ngay cả phía Trung Quốc cũng thừa nhận là do phần mềm mới được xây dựng nên rất thường xảy ra lỗi kỹ thuật. Vấn đề này không chỉ là phản ánh từ phía Việt Nam mà cả hơn 100 quốc gia khác có xuất khẩu hàng vào Trung Quốc cũng gặp phải.

Vừa làm vừa gỡ

Đến thời điểm này, đã có 779 cơ sở chế biến thủy sản đã có tên trong danh sách tiếp tục xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Để thuận lợi trong công tác khai báo xuất khẩu, ông Lê Bá Anh cũng khuyến nghị, trong trường hợp doanh nghiệp đã có đối tác nhập hàng từ Trung Quốc thì việc nhờ hỗ trợ nhận diện các mã HS từ họ là một việc cần thiết. Vì trong quá trình triển khai hệ thống mới của Hải quan Trung Quốc, chính bản thân các doanh nghiệp Trung Quốc hiểu hơn ai hết.

Ngoài ra, khi có bất kỳ khó khăn vướng mắc nào, doanh nghiệp có thể làm công văn mô tả rõ ràng vấn đề đó gửi về văn phòng Nafiqad hoặc các cơ quan phụ trách trực tiếp. Cơ quan chức năng sẽ tập hợp chuyển cho phía Trung Quốc xem xét giải quyết một cách nhanh nhất có thể. “Có những khó khăn khách quan nằm ngoài khả năng giải quyết của chúng ta, do đó, phải chấp nhận và giải quyết từng bước”, ông Lê Bá Anh chia sẻ.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đã cấp và xác nhận 350 tài khoản đăng ký của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, đang hướng dẫn và giới thiệu 30 doanh nghiệp hoàn thiện và gửi hồ sơ sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, phần mềm và trang web ở phía Trung Quốc liên tục nâng cấp, vừa thực hiện vừa hoàn thiện mà chưa được hướng dẫn kịp thời nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện công việc.

Trong giai đoạn ban đầu (năm 2021) do mới thực hiện nên các doanh nghiệp chưa được hướng dẫn cụ thể cách khai báo thông tin để tạo tài khoản trên hệ thống của Hải quan Trung Quốc nên nhiều thông tin còn chưa chính xác, gây khó khăn cho việc xác nhận các tài khoản do doanh nghiệp tự đăng ký. Bên cạnh đó, hệ thống phân nhóm thực phẩm của theo 19 nhóm của Trung Quốc phức tạp, bao gồm cả mã HS/CIQ. Chưa có hướng dẫn cụ thể nên doanh nghiệp chưa hiểu về cách mô tả hàng hóa nên gặp nhiều khó khăn trong việc khai báo mã HS/CIQ…. Hệ thống tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc bằng tiếng Trung nên doanh nghiệp khó tiếp cận.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, cần hướng dẫn doanh nghiệp về việc sử dụng phần mềm và khai báo thông tin online. Cung cấp đầy đủ thông tin về nhóm thực phẩm, mô tả hàng hóa, HS/CIQ code và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc (bản Tiếng Việt). Hướng dẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP, tiến tới được chứng nhận HACCP.

Các chuyên gia nhận định, các quy định về sản xuất, chế biến, kiểm dịch phòng chống dịch bệnh Covid-19, đến hệ thống thủ tục hành chính như khai báo hải quan của phía Trung Quốc... đã gây ra rất nhiều khó khăn không những cho doanh nghiệp Việt Nam mà với cả doanh nghiệp khắp thế giới.

Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc, trước nay vẫn quen xuất khẩu tiểu ngạch, đa số lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chuyển qua chính ngạch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sự khác biệt về thủ tục và ngôn ngữ. Tuy nhiên, đây là vấn đề nội tại của doanh nghiệp, cần có giải pháp tháo gỡ. Các doanh nghiệp có thể thuê các đơn vị tư vấn có uy tín để hỗ trợ.

Chúng tôi cũng thường xuyên tham khảo, cập nhật các hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp Mỹ trong việc xuất hàng vào Trung Quốc. Vì Mỹ cũng là đối tác xuất khẩu lớn hàng hóa vào Trung Quốc, họ thường xuyên đăng tải thông tin và tài liệu liên quan. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham khảo thêm các thông tin ở đó”, ông Lê Bá Anh khuyến nghị.

Nguồn: Báo Công Thương

Total number of posts 312.

Title Date