Underline menu menu close

Tình hình triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN và khả năng nâng cấp lên Cơ chế Một cửa ASEAN thế hệ mới

08:31 - 19/12/2024

Cơ chế Một cửa ASEAN (ASEAN Single Window - ASW) là một sáng kiến quan trọng của ASEAN nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại và tăng cường kết nối giữa các nước thành viên. Với mục tiêu giảm thời gian, chi phí và cải thiện hiệu quả trong xử lý thủ tục hải quan và thương mại, ASW được xây dựng dựa trên cơ sở liên kết các Cơ chế một cửa quốc gia (National Single Window - NSW) của các nước ASEAN.

Tình hình triển khai hiện nay

Kể từ khi đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2019, đến nay, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đã kết nối và thực hiện trao đổi dữ liệu điện tử thông qua ASW, chủ yếu tập trung vào trao đổi Chứng nhận Xuất xứ điện tử (e-Form D) trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA. Bên cạnh đó, 09 nước ASEAN (ngoại trừ Lào) đã chính thức trao đổi Dữ liệu tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) thông qua Cơ chế Một cửa ASEAN. In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan đã trao đổi chính thức Chứng nhận kiểm dịch điện tử (e-Phyto) thông qua Cơ chế Một cửa ASEAN, trong khi Malaysia đang trong quá trình thử nghiệm và dự kiến sẽ trao đổi chính thức vào quý II năm 2025. Theo thống kê, việc triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN đã giúp doanh nghiệp ASEAN tiết kiệm được hơn 6,4 tỷ USD, giảm thời gian vận chuyển trung bình bốn ngày cho mỗi giao dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hơn 4 triệu chứng từ điện tử.

Picture1-6

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi các chứng từ thương mại dạng điện tử với các Đối tác Đối thoại thông qua ASW, các nước ASEAN đã xác định danh sách các công nghệ có khả năng được tăng cường trong ASW và đang thảo luận về Mẫu pháp lý chung sẽ thiết lập các điều khoản pháp lý cơ bản cần thiết cho hợp tác Cơ chế một cửa.

Nhiều nước ASEAN đã tích cực nâng cấp hệ thống NSW, đảm bảo khả năng kết nối và tích hợp hiệu quả với nền tảng ASW.

Việc triển khai ASW đã góp phần đáng kể vào việc đơn giản hóa quy trình xuất nhập khẩu, tăng cường minh bạch và giảm thiểu các rào cản thương mại phi thuế quan trong khu vực.

Mặc dù đạt được những tiến bộ đáng kể, việc triển khai ASW vẫn đối mặt với một số thách thức như:

(i) Đồng bộ hóa công nghệ: Sự khác biệt về trình độ phát triển công nghệ giữa các nước ASEAN gây khó khăn trong việc tích hợp và kết nối hệ thống.

(ii) Hài hòa quy định: Sự không đồng nhất trong các quy định, quy trình xử lý chứng từ giữa các quốc gia làm giảm hiệu quả của cơ chế.

(iii) Nguồn lực hạn chế: Một số quốc gia chưa có đủ nguồn lực tài chính, nhân lực hoặc hạ tầng kỹ thuật để nâng cấp hệ thống NSW.

Khả năng nâng cấp lên Cơ chế một cửa ASEAN thế hệ mới

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ số và nhu cầu ngày càng tăng nhanh về thương mại xuyên biên giới không giấy tờ, ASW đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nhận thức được hạn chế hiện tại của ASW và việc mở rộng công việc đang được thực hiện trong ASEAN và trên toàn cầu về thương mại không giấy tờ, ASEAN đang tiến hành Nghiên cứu về Cơ chế Một cửa ASEAN thế hệ mới, nhằm xác định những hạn chế và đề xuất các giải pháp mới và toàn diện để giúp ASW có thể tương tác với các nền tảng khác, qua đó kết nối ASEAN với hệ sinh thái thương mại không giấy tờ xuyên biên giới với các đối tác thương mại ngoại khối. Đây là một trong những ưu tiên kinh tế của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024.

Dự kiến, Nghiên cứu về Cơ chế Một cửa ASEAN thế hệ mới có thể xem xét các thông lệ và khuyến nghị toàn cầu có liên quan, sau đó so sánh với các thông lệ hiện có của ASEAN, từ đó phân tích và đưa ra khuyến nghị theo 3 khía cạnh: (i) chính sách, (ii) kỹ thuật (khả năng tương tác) và (iii) pháp lý. Theo kế hoạch, bản nghiên cứu sẽ được Ban chỉ đạo Một cửa ASEAN (ASWSC) hoàn thiện trong năm 2024, trước khi trình lên các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Tài chính ASEAN để ghi nhận.

Trong trường hợp ASW thế hệ mới được xây dựng, dự kiến hệ thống này sẽ mang lại những lợi ích vượt trội, bao gồm giảm đáng kể thời gian thông quan, tăng cường độ tin cậy của dữ liệu thương mại, và thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các nước ASEAN. Đây cũng là một bước tiến lớn trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hiện đại, sáng tạo và phát triển bền vững. Do đó, ASEAN cần tăng cường hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên để đảm bảo sự thành công của sáng kiến này, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Total number of posts 314.

Title Date