Underline menu menu close

RCEP tạo động lực tăng trưởng mới cho thương mại Việt Nam

04:06 - 16/10/2023

RCEP có 15 nước tham gia gồm: 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Từ đó, RCEP sẽ hình thành cấu trúc thương mại mới trong khu vực, tạo thuận lợi cho các nước cùng phát triển bền vững. Trong hiệp định cam kết mở cửa thị trường về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Cụ thể là đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia trong khối.

Các chuyên gia đánh giá, RCEP là một hiệp định thương mại “khổng lồ”, đại diện cho một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Các quốc gia thành viên chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội, dân số và khối lượng thương mại toàn cầu. Đáng nói, Hiệp định RCEP đóng vai trò là nền tảng quan trọng để các quốc gia thành viên mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Theo Bộ Công Thương, RCEP có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Hiệp định có hiệu lực giúp Việt Nam nhận được nhiều lợi ích vì những nước tham gia vào RCEP đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Nông sản, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ… RCEP tạo ra động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế và hình thành các chuỗi cung ứng mới.

Hiện nay, các báo cáo đánh giá về tác động của RCEP đều cho rằng, Hiệp định sẽ mang lại nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế khu vực. Theo đó, tới năm 2030, sẽ làm tăng thu nhập của toàn khu vực khoảng 0,6%, tương đương với tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm.

c490139b0005d55b8c1420230919142243
RCEP mở ra nhiều cơ hội cho dệt may của Việt Nam - Ảnh: Cấn Dũng

Đối với Việt Nam, các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ RCEP. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2022 dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030.

Theo báo cáo đánh giá về tác động của RCEP (của Park et al. năm 2021 và của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2022), Hiệp định RCEP có thể tác động tích cực tới kinh tế khu vực, trong đó những nước có định hướng xuất khẩu được hưởng lợi nhiều hơn. Các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra Việt Nam có nhiều cơ hội từ RCEP, với dự báo của WB 2022 GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030. Trong khi đó, các quy tắc xuất xứ trong RCEP có thể kích thích nhập khẩu hàng hóa trung gian vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc, tạo ra những bất lợi cho phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong vai trò là một thành viên của RCEP, Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 năm 2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo RCEP, Hiệp định loại bỏ thuế quan đối với gần 90% hàng hóa giao dịch và quy tắc xuất xứ có giá trị trong toàn bộ các nước tham gia. Đây là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam có xuất, nhập khẩu lớn từ các thị trường trong khối.

Đơn cử, Hiệp định RCEP sẽ đem đến nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Thị trường các nước Hiệp định RCEP đem đến nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may Việt Nam nên khi doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sản phẩm vào các nước thành viên sẽ rất thuận lợi trong quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết: Nguồn cung, nguồn chung gian của phần lớn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến từ khu vực RCEP và đầu ra của một số sản phẩm cũng ở khu vực này. Khi cả chuỗi cung ứng nằm trong cùng một khu vực và có một bộ xuất xứ hoàn chỉnh thì đó chính là lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo bà Trang, lợi thế lớn nhất nhìn thấy trực tiếp đó chính là sự về hài hoà quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng ở RCEP. Chúng ta phải chú ý là có sự cộng hưởng RCEP và 14 FTA khác mà Việt Nam đang có. Vì thế nó là một cơ hội, là một động lực rất tốt để chúng ta có thể thu hút đầu tư FDI, đấy chính là thế mạnh.

Bên cạnh đó, nhận định của các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra nếu biết khai thác triệt để các lợi ích do Hiệp định mang lại, đặc biệt là trong môi trường đầu tư nhiều tiềm năng đi cùng với sự hỗ trợ hết mình của các chính sách, định hướng của Chính phủ Việt Nam.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp SMEs, vốn chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp đáng kể vào bức tranh thương mại của Việt Nam, sẽ hưởng lợi khi RCEP mang đến các cơ hội giúp các doanh nghiệp phát triển lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng. Cùng với việc cắt giảm thuế quan, RCEP còn cung cấp các biện pháp thuận lợi hóa hải quan, dỡ bỏ các rào cản thương mại để các doanh nghiệp SMEs có thể mở rộng không gian phát triển tại thị trường quốc tế, đồng thời xây dựng môi trường thuận lợi hóa đầu tư cạnh tranh, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng ngoại thương chung của quốc gia.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Bộ Công Thương phối hợp với các tỉnh, thành tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước thuộc các sở, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Mục đích để khai thác các lợi thế từ hiệp định và giảm thiểu những thách thức.

Total number of posts 312.

Title Date