Underline menu menu close

Hướng đi cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở ASEAN

05:12 - 20/11/2024

Trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay nhằm hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.

Nền kinh tế truyền thống, hay còn gọi là nền kinh tế tuyến tính, hoạt động theo mô hình "lấy, làm, sử dụng, bỏ đi," tập trung vào việc khai thác tài nguyên, sản xuất hàng hóa, tiêu dùng và thải bỏ. Cách tiếp cận này phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và thường dẫn đến lãng phí lớn khi các sản phẩm không được tái chế hoặc tái sử dụng. Mô hình này không chỉ gây áp lực lên nguồn tài nguyên hữu hạn mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng, nền kinh tế tuyến tính đang dần bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng, thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi sang các mô hình kinh tế bền vững hơn, như kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được hiểu là một mô hình kinh tế bền vững, trong đó các sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời thay vì chỉ sử dụng một lần rồi bỏ đi như trong nền kinh tế tuyến tính. Mục tiêu của KTTH là tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình này thúc đẩy thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và áp dụng công nghệ để biến chất thải thành nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất mới. Kinh tế tuần hoàn không chỉ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn tạo ra giá trị kinh tế bền vững, giúp các doanh nghiệp và quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển xanh và cắt giảm khí thải carbon trong dài hạn.

\Picture117
 

Xu hướng kinh tế tuần hoàn đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu khi cả khu vực tư nhân và nhà nước nhận thức rõ ràng tác động của biến đổi khí hậu. Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Liên minh Châu Âu, đã sớm triển khai chiến lược kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu lãng phí và đạt mục tiêu phát thải carbon. Tại Việt Nam, chính phủ cũng đặt trọng tâm vào mô hình kinh tế tuần hoàn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp tái chế và tối ưu hóa tài nguyên, đồng thời hợp tác với các nước ASEAN để phát triển đồng bộ một nền kinh tế xanh và bền vững trong khu vực.

Nhận thức rõ các thách thức toàn cầu và tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp, ASEAN cũng đang tập trung hướng tới phát triển bền vững và bao trùm bằng cách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong khu vực. Yêu cầu đặt ra là ASEAN cần xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho kinh tế tuần hoàn, tập trung vào tiêu chuẩn hóa, thúc đẩy thương mại xanh, áp dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng, và tăng cường tài chính cho các dự án xanh. Đồng thời, việc xây dựng các cơ chế khuyến khích như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và các quy định ưu tiên sản phẩm tuần hoàn là cần thiết để thúc đẩy cung cầu.

Năm 2021, các nước ASEAN đã xây dựng Khung Kinh tế Tuần hoàn ASEAN, đặt ra một tầm nhìn dài hạn, đặt ra các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên hành động và tạo cơ sở xây dựng các sáng kiến mới, cơ chế hợp tác liên ngành đặc biệt nhằm đẩy nhanh việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong ASEAN. Mục tiêu chiến lược của Khung Kinh tế Tuần hoàn là đưa ASEAN trở thành nền kinh tế tự cường, nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực, và hướng tới tăng trưởng bền vững trong ASEAN thông qua việc hài hòa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau đối với các sản phẩm và dịch vụ thông thường; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, kết nối chuỗi cung ứng khu vực; nâng cao vai trò của đổi mới, số hóa; thúc đẩy xây dựng tài chính bền vững và đầu tư mới; sử dụng hiệu quả năng lượng và các nguồn lực khác nhằm hạn chế tác động của môi trường đến họat động kinh tế. Khung tài liệu này sẽ đưa ra các mục tiêu, cung cấp các nguyên lý hướng dẫn, đề xuất các sáng kiến chiến lược và tiến trình thực hiện để làm cơ sở cho các nước ASEAN xây dựng nền Kinh tế Tuần hoàn quốc gia.

Brochure-Circular-Economy-Final-1_page-0001-scaled

Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ là một lộ trình dài hơi đối với ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh khác biệt về mức độ phát triển của các nước thành viên ASEAN. Để đẩy nhanh lộ trình này, ASEAN cần ưu tiên các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, tài chính và vận tải, đồng thời tăng cường minh bạch hóa tác động môi trường của các doanh nghiệp để thúc đẩy trách nhiệm bền vững. Trên cơ sở Khung Kinh tế Tuần hoàn ASEAN, các nước ASEAN bắt đầu xây dựng kế hoạch chiến lược, đề ra các hoạt động, lĩnh vực hợp tác chi tiết nhằm thúc đẩy mục tiêu chung của khu vực.

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là một giải pháp trước những thách thức toàn cầu mà còn là cơ hội để các quốc gia, đặc biệt là khu vực ASEAN, xây dựng nền kinh tế tự cường, bền vững và bao trùm. Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội, cùng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực. Với lộ trình rõ ràng và các chính sách hỗ trợ phù hợp, ASEAN hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xanh mà còn đảm bảo tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

Total number of posts 312.

Title Date