Underline menu menu close

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF

02:47 - 14/08/2024

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 6 năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đại Liên, Trung Quốc với sự tham gia của 1.500 đại biểu cấp cao, bao gồm lãnh đạo và quan chức cao cấp của chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn/ công ty, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Hội nghị năm nay có chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, tập trung vào 6 nội dung chính: (i) Nền kinh tế toàn cầu mới; (ii) Trung Quốc và thế giới; (iii) Doanh nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; (iv) Không gian phát triển mới cho các ngành công nghiệp; (v) Đầu tư vào con người; (vi) Kết nối khí hậu, thiên nhiên và năng lượng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự nhiều sự kiện của Hội nghị và các hoạt động bên lề như Phiên khai mạc toàn thể; Tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda v.v.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab (Chủ tịch điều hành WEF) đã đồng chủ trì phiên Đối thoại với Lãnh đạo các tập đoàn lớn (CEO) của WEF vào sáng ngày 26 tháng 6 năm 2024 để thảo luận cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp tác trong bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị và công nghệ trên thế giới ngày nay phát triển nhanh chóng.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Công ty Đầu máy toa xe Đại Liên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đối với các nội dung liên quan đến ASEAN, Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các tiến trình đa phương nhằm thúc đẩy các sáng kiến về biến đổi khí hậu và bền vững bằng việc thông qua như (i) Chiến lược ASEAN về Trung hòa các-bon; (ii) Khung Kinh tế biển xanh ASEAN; và (iii) Khung Kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và khủng hoảng kép (biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy giảm hệ sinh thái), Hội nghị cũng thảo luận một số giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hợp tác đa phương, ứng phó với các tác động này, bao gồm lồng ghép chính sách ở cấp độ khu vực và toàn cầu, đầu tư và tài chính khí hậu, chuyển đổi dựa trên thị trường, vốn tự nhiên và các giải pháp dựa vào thiên nhiên, và xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.

Thảo luận về khai phá tiềm năng đối với nền kinh tế số ASEAN, Hội nghị trao đổi các biện pháp hợp tác và sáng kiến tiềm năng nhằm bổ trợ cho tham vọng xây dựng Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN (DEFA), hiện đang được đàm phán và là hiệp định kinh tế số ở cấp độ khu vực đầu tiên trên thế giới; cho rằng các sáng kiến của ASEAN như Cơ chế một cửa ASEAN, Chương trình Nhãn tín nhiệm thương mại điện tử ASEAN, Mã số định danh doanh nghiệp duy nhất sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế số ASEAN. Hội nghị chia sẻ tiềm năng của ASEAN như một khu vực hấp dẫn về thương mại và đầu tư nhờ mức tăng trưởng GDP thực tế trung bình dự kiến đạt 4,6%, do đó, các hiệp định kinh tế số như DEFA rất cần thiết để nâng cao sức hấp dẫn của ASEAN. Hội nghị cũng nhấn mạnh những tiềm năng của việc nắm bắt các công nghệ tiên tiến như AI, dự kiến sẽ giúp GDP của ASEAN gia tăng ấn tượng từ 10 đến 18%, đạt giá trị khoảng 1 nghìn tỷ USD. Đánh giá về những tồn tại trong khoảng cách số trong lĩnh vực MSME, Hội nghị cho rằng các MSME của ASEAN đối mặt nhiều thách thức, trong đó có hạn chế tiếp cận với cơ sở hạ tầng cơ bản như điện và kết nối internet, do việc ứng dụng số của MSME còn thấp (34% các MSME áp dụng các công cụ số cơ bản, 10% sử dụng các công cụ tiên tiến như phân tích và tự động hóa); ghi nhận một số sáng kiến của ASEAN nhằm hỗ trợ các MSME trong quá trình chuyển đổi công nghệ, bao gồm Học viện SME ASEAN, Tiếp cận ASEAN và Nâng cao kỹ năng số ASEAN (Go Digital ASEAN); nhấn mạnh ASEAN cần có cách tiếp cận đa diện nhằm thúc đẩy đổi mới và chuyển giao kiến thức, giúp nâng cao năng lực cho MSME.

Total number of posts 237.

Title Date