Total number of posts 312.
Title | Date |
---|
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên mổ xẻ nhiều góc độ từ việc thanh long bị EU giữ nguyên tần suất kiểm tra 20%.
Đội chi phí gấp 4-5 lần
Ngày 13/6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long và mì ăn liền ở mức 20%. Một số loại rau gia vị, đậu bắp, ớt bị giữ mức kiểm tra 50%, giống như thông báo hồi cuối tháng 12/2021.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng bởi quyết định này.
Lấy ví dụ về trái thanh long tươi xuất đi EU, ông Nguyên cho biết, thời gian để lấy mẫu, kiểm nghiệm theo tần suất 20% vào khoảng 4 ngày. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long tại châu Âu.
"Nếu xuất khẩu bằng đường biển, doanh nghiệp rất khó đảm bảo chất lượng thanh long. Trước đây, vận chuyển tới châu Âu mất khoảng 20-25 ngày. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng thiếu containter rỗng xảy ra, thời gian vận chuyển giờ lên tới 35-40 ngày. Trong khi thời gian bảo quản tối đa của thanh long, tính từ lúc thu hoạch, là khoảng 6 tuần - tương đương 40 ngày", ông Nguyên nói.
Bởi nguyên nhân này, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xuất thanh long sang EU từ đầu năm 2022 hầu hết vận chuyển bằng đường hàng không.
Ông Nguyên nhẩm tính, 1 containter chở khoảng 6-7 tấn thanh long, khi đi đường biển sang châu Âu sẽ tốn chi phí khoảng 20.000 USD. Tính trung bình, cước vận chuyển của 1 kg thanh long tươi khoảng 2-3 USD. Tuy nhiên, nếu đi đường bay, giá cước hiện tăng lên tận 10 USD/kg - cao gấp 4-5 lần mức cũ.
Từ ngày 1/8/2021, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Nhiều dòng thuế, đặc biệt với các sản phẩm nông sản, trở về 0%. Dù vậy, mức ưu đãi về thuế không đủ để doanh nghiệp bù đắp chi phí bị đội lên thời gian qua, theo ông Nguyên.
Nguy cơ bị đổ bỏ
Bàn sâu hơn về tần suất kiểm tra thanh long 20% mà EU dành cho Việt Nam, Tổng thư ký Đặng Phúc Nguyên cho biết, EU sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên trong từng lô hàng xuất khẩu. Thường, phía Bạn sẽ chia tỷ lệ, để lấy đầu, giữa và cuối mỗi lô hàng.
Sau khi lấy mẫu 20%, toàn bộ số mẫu này được đưa vào kiểm nghiệm bằng cách xay, nghiền, sau đó phân tích các thành phần dư lượng trong ruột thanh long. Đáng chú ý, tất cả lượng lấy mẫu này doanh nghiệp phải chịu, và tính "bù" vào giá thành khi xuất bán tại thị trường EU.
Nếu không may, lô hàng vượt ngưỡng dư lượng cho phép của EU, doanh nghiệp còn phải chịu thêm chi phí "quay đầu" - nghĩa là chuyên chở toàn bộ số hàng trở lại Việt Nam. Cộng thêm cả khoảng thời gian chở về, sản phẩm gần như không thể tiêu thụ vì quá thời hạn bảo quản.
"Khi bị kiểm tra 20%, doanh nghiệp chở 10 kg thanh long sang EU coi như bị 'mất' 2 kg. Rõ ràng, chất lượng thanh long Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới, nhưng giờ phải chịu nguy cơ bị đổ bỏ, hoặc nghiền nát giống như xay sinh tố thì rất phí”, ông Nguyên trăn trở.
Qua quá trình giao dịch với EU, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam tiết lộ thêm, rằng nếu doanh nghiệp tái phạm các vấn đề về dư lượng, họ có thể chịu tần suất kiểm tra cao hơn, thậm chí bị cấm xuất khẩu sang EU.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã phối hợp Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị thu mua, lẫn HTX, bà con nông dân trực tiếp sản xuất thanh long. Hồi đầu tháng 1/2022, Bộ NN-PTNT từng tổ chức nguyên một diễn đàn trực tuyến để kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long. Nhưng trong bản thông báo của EC gửi hôm 13/6, phía Bạn nhận xét: "Tần suất các lô hàng bị cảnh báo chưa có nhiều tiến bộ".
"Gây dựng được thương hiệu của một chuỗi giá trị ngành hàng ở thị trường khó tính như EU rất khó. Ngoài các vấn đề về chi phí khi bị giữ tần suất kiểm tra 20%, chúng ta còn có thể bị ảnh hưởng uy tín trên trường quốc tế nếu làm không cẩn thận", ông Nguyên trăn trở.
Đi tìm lời giải
Ai cũng biết những tác động của việc thanh long bị giữ tần suất kiểm tra 20%. Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, hoàn cảnh hiện tại liên tục đặt các bên liên quan vào thế phải chọn lựa.
Với doanh nghiệp xuất khẩu, do những thách thức về logistics, họ phải lên trước đơn với bên vận chuyển khoảng 3-4 ngày, thậm chí một tuần, và trả trước tiền cước. Điều này dẫn đến tâm lý "cố tìm thêm hàng", tránh thiệt hại từ việc chỉ xuất 2 tấn nhưng lại đặt 3 tấn hàng.
Với bên thu mua (thương lái), họ cũng gặp áp lực gần tương tự. Nỗi lo bị phạt theo hợp đồng đã cam kết với doanh nghiệp xuất khẩu lúc nào cũng lơ lửng treo trên đầu.
Với người sản xuất, họ cũng gặp nguy cơ bị ảnh hưởng từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lan theo nguồn nước, gió, hoặc thẩm thấu trong đất từ các ruộng kế bên.
"Có một thực tế, là khi vấn đề xảy ra, rất khó để xác định lỗi từ phía nào, bởi ai cũng có thể có lỗi trong chuỗi giá trị", ông Nguyên nêu vấn đề.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn đảm bảo được hoạt động, theo ông Nguyên, là do họ có những vùng nguyên liệu riêng, và chuẩn hóa mọi khâu từ tổ chức sản xuất, canh tác, sơ chế, bảo quản, tới dây chuyền đóng gói và xuất khẩu. Các thủ tục liên quan đến chứng nhận, hay tiêu chuẩn GlobalGAP được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, số lượng những "đại bàng" dạng này không nhiều, theo ông Nguyên.
Để giải bài toán "thanh long" nói riêng và xuất khẩu nông sản sang thị trường khó tính nói chung, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyên doanh nghiệp xuất khẩu chủ động kiểm soát chất lượng ngay từ trong nước.
"Khi nào nắm chắc 100% về lô hàng, doanh nghiệp hãy xuất khẩu. Chúng ta có thể chấp nhận cước khống từ đơn vị vận chuyển, thay vì lấy hàng không rõ nguồn gốc, rồi trông chờ vào may mắn thoát kiểm dịch của nước khập khẩu nông sản", ông Nguyên bày tỏ.
Một cách nữa, là doanh nghiệp cần sớm tổ chức kiểm tra, kiểm nghiệm nguồn hàng trước khi xuất khẩu. Ông Đặng Phúc Nguyên đề xuất, bên cạnh việc kiểm tra chất lượng quả từ trên cây, doanh nghiệp có thể kiểm nghiệm một lần nữa tại kho, trước khi đóng gói và giao hẹn điều này với người sản xuất.
Cùng với đó, trong thời gian niên vụ, doanh nghiệp xuất khẩu phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, HTX, người dân định kỳ kiểm tra đồng ruộng hàng tuần, hàng tháng để giám sát chất lượng nông sản một cách chặt chẽ.
Với bà con nông dân, những người trực tiếp sản xuất, ông Nguyên khuyến cáo nâng cao nhận thức và có hợp đồng thương mại với các điều khoản ràng buộc chặt chẽ. "Nếu có thể, người dân cần được tuyên truyền sớm để biết hàng hóa của họ sẽ được xuất khẩu, tiêu thụ ở đâu", ông Nguyên nhấn mạnh.
Ngày 15/12/2021, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Quy định số (EU) 2021/2246, trong đó quyết định nâng tần suất kiểm tra đối với các lô hàng thanh long của Việt Nam lên thành 20% - tăng 10% so với trước.
Theo định kỳ, 6 tháng một lần, EC sẽ xem xét danh sách các thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ở thông báo mới nhất, vào ngày 13/6/2022, EC quyết định giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long ở mức 20%, cũng như các sản phẩm gồm: mì ăn liền, và một số loại rau gia vị, đậu bắp, ớt.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Total number of posts 312.
Title | Date |
---|
Ministry of Industry and Trade
Disclaimer: All information on this website is presented for consulation purpose only and does not constitute legal advice. All legal responsibility rests solely on the user. Users should not act upon any information obtained through this website without prior verigication with competent national authorities.
The website has been developed under Web Content Accessibility Guidlines (WCAG) 2
Viet Nam Ministry of Industry and Trade. All rights reserved.
Did you find what you were looking for?
Can we ask you a few more questions to help improve the VNTR?
0 of 12 answered