Underline menu menu close

Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 8,3%

02:11 - 02/06/2022

Tiếp nối những kết quả nổi bật của tháng 3 và tháng 4, trong tháng 5/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước tiếp tục đà hồi phục do người lao động trong các doanh nghiệp đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp tự tin khôi phục toàn bộ hoạt động và tìm đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tiếp tục được khởi sắc.

Sản xuất công nghiệp khôi phục ở hầu hết các ngành

Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP), trong tháng 5, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tăng với IIP tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 11,6%). Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 12,6%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành khai khoáng tăng 4,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%.

- Chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: than sạch tăng 13,4%; Alumin tăng 10,9%; ô tô tăng 10,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 14,5%; Bia các loại tăng 10,5%

Ở chiều ngược lại, sản phẩm sản xuất của một số ngành giảm như: phân DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) giảm 33,7%; Quặng Apatit giảm 19,8%; máy công cụ giảm 14,9%; điện thoại di động giảm 6,1%; ti vi giảm 18,2%.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.

Về tình hình sản xuất cung ứng điện

Trong tháng 5, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 23,36 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 1,149 tỷ kWh so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 được phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2021 về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 (Quyết định số 3063/QĐ-BCT). Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 108,758 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 4,0% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 109 triệu kWh so với Quyết định số 3063/QĐ-BCT.

Nhìn chung trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong các dịp nghỉ Lễ, Tết dài ngày và trong thời gian diễn ra SEA Games 31.

Theo tính toán cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong Phương thức vận hành hệ thống điện tháng 6 năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện 7 tháng còn lại của năm 2022 ước đạt 166,641 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống). Lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 275,399 tỷ kWh, tăng 7,99% so với năm 2021, bằng 99,96% so với mức dự báo tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT.

Căn cứ thực tế tình hình cung cấp điện trong 5 tháng đầu năm và dự kiến kế hoạch trong các tháng còn lại, Bộ Công Thương đánh giá việc cung cấp điện trong năm 2022 cơ bản sẽ được đảm bảo và không xảy ra tình trạng thiếu điện. Để đạt được mục tiêu này, từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể:

- Chỉ đạo các nhà máy thủy điện tập trung thực hiện tích nước các hồ thủy điện để chuẩn bị cho mùa khô năm 2022. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nhất là dịp cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2022 tại đồng bằng Bắc Bộ.

- Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột tại Ucraina, đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than có giải pháp đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện.

- Chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.

- Chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ các công trình đường dây truyền tải, đặc biệt là các đường dây 500 kV, 220 kV truyền tải bổ sung công suất cho khu vực miền Bắc. Trong tháng 4, 5 đã đóng điện đường dây 500 kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, đường dây 220 kV mạch 2 Thanh Hóa - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu.

- Đề nghị các cơ quan báo đài, phương tiện truyền thông tiếp tục phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp tiết kiệm nước cho sản xuất, sinh hoạt trên phạm vi cả nước.

Nguồn: Bộ Công Thương

Total number of posts 24.

Title Date