Underline menu menu close

ASEAN – Hội đồng hợp tác Vùng vịnh (GCC): hợp tác kinh tế giữa hai khu vực tăng trưởng của châu Á

04:24 - 20/11/2024

Được đánh giá là 2 khu vực sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong thập niên này, hợp tác ASEAN và các nước vùng vịnh hứa hẹn sẽ là cầu nối kinh tế triển vọng trong tương lai, và là liên kết mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là một liên minh chính trị và kinh tế liên chính phủ khu vực bao gồm hầu hết các quốc gia Ả Rập của Vịnh Ba Tư, cụ thể là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây là khu vực bao gồm nhiều nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, tiêu biểu như UAE với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,5% vào năm 2025 và Ả Rập Xê Út với tốc độ tăng trưởng đạt 4,8% vào năm 2025. Quan hệ ASEAN - GCC bắt đầu từ năm 1990, khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng GCC, bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Từ đó đến nay, với tổng kim ngạch thương mại đạt 130,7 tỷ đô la vào năm 2023, GCC là đối tác thương mại lớn thứ sáu của ASEAN vào năm 2023. Trong số các nền kinh tế GCC, UAE là nước đóng góp lớn nhất, chiếm 44,9% tổng kim ngạch thương mại của GCC với ASEAN, tiếp theo là Ả Rập Xê Út với 30,2%, Qatar 10,9%, Kuwait 8,3%, Oman 4,7% và Bahrain 1% (Dầu khí đóng góp một phần lớn vào tổng quan hệ thương mại của ASEAN-GCC với hơn 63,1%). Bên cạnh đó, GCC là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 16 của ASEAN vào năm 2023. Về du lịch, lượng khách du lịch đến từ GCC đạt 378.261 vào năm 2022 (chiếm 0.9% tổng lượng khách du lịch đến ASEAN), biến GCC trở thành khu vực đóng góp lớn thứ 16 về lượng khách du lịch đến ASEAN.

Tại phương diện đối thoại kinh tế, việc tăng cường hợp tác khu vực với khu vực đã được 2 bên triển khai sớm khi năm 2010, ASEAN và GCC đã tiến hành nghiên cứu khả thi về Hiệp định FTA giữa ASEAN – GCC. Mặc dù, tiến trình đàm phán của hiệp này tiến triển chậm, các hoạt động tăng cường hợp tác tiếp tục được hai bên triển khai. Vào tháng 10 năm 2023, hội nghị thượng đỉnh ASEAN-GCC đầu tiên được tổ chức tại Riyadh là một dấu mốc quan trọng khi đã thông qua Khung hợp tác ASEAN-GCC (2024-2028) trong đó nêu rõ các biện pháp và hoạt động hợp tác về đối thoại chính trị và an ninh, thương mại và đầu tư, cũng như trao đổi thể nhân và nhiều lĩnh vực khác. Các bên nhất trí tăng cường dòng chảy thương mại và đầu tư, đặc biệt chú trọng vào cơ sở hạ tầng bền vững, năng lượng tái tạo, hóa dầu, nông nghiệp, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, du lịch, logistic, đô thị thông minh, kết nối và số hóa, đồng thời tăng cường liên kết công tư và tăng cường hợp tác doanh nghiệp giữa các vùng. Bên cạnh đó, các nước vùng Vịnh cũng thể hiện sự quan tâm đáng kể trong việc khôi phục lại cuộc thảo luận về FTA tiềm năng với ASEAN và đáp lại tín hiệu tốt này, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-GCC lần thứ 2 dự kiến sẽ được tổ chức tiếp nối Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 46 sẽ diễn ra vào tháng 5 năm 2025. Phát biểu trước báo giới vào ngày 19 tháng 7 năm 2024, Tổng thư ký ASEAN - ông Kao Kim Hourn, thể hiện sự lạc quan khi cho hay ASEAN và GCC có thể đạt được một hiệp định thương mại tự do (FTA) khi GCC bày tỏ “sự tự tin đối với mong muốn hợp tác với ASEAN”. Đối với Việt Nam nói riêng, quan hệ giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh thời gian qua được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao đến đầu tư, thương mại, du lịch, v.v. Năm 2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Thư ký Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã ký kết MOU hợp tác, tạo cơ sở để tăng cường quan hệ hơn nữa giữa hai bên trong tương lai. Đặc biệt, gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức đến 3 quốc gia vùng vịnh gồm Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Qatar. Chuyến thăm đặc biệt nhấn mạnh các trao đổi thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với cả ba nước nói riêng và khu vực vùng Vịnh, Trung Đông nói chung. Thủ tướng đã phát biểu, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng tại các cuộc hội đàm, cuộc gặp với các nhà lãnh đạo, các hội nghị, sự kiện và có hàng loạt cuộc gặp gỡ với các Bộ trưởng, Quốc vụ khanh các bộ phụ trách kinh tế, đầu tư, công nghiệp, năng lượng, ngoại thương... của UAE, Saudi Arabia và Qatar. Bên cạnh đó, chuyến thăm còn đạt được nhiều mực tiêu khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) với UAE là hiệp định tự do thương mại thứ 17 Việt Nam tham gia được ký kết, đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Có thể thấy, tăng cường hợp với các quốc gia vùng Vịnh là một hướng đi đầy hứa hẹn cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng khi các bên đều thể hiện sự tư tin nhất định trong việc sớm đạt được các mục tiêu và thỏa thuận đề ra. Điều nay mở ra một cơ hội khai thác dư địa kinh tế liên vùng, mặc dù sẽ có nhiều thách thức, nhưng sẽ đem lại cơ hội chưa từng có cho phát triển kinh tế của các bên.

Picture123
 

Total number of posts 288.

Title Date